VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chuyện văn nghệ Hà Nội nghe ở Moskva 1987 (kỳ II)

18/11
Nguyên Ngọc kể:
- Buổi gặp anh em, ông Linh còn nói nhiều câu cay đắng lắm. Ví dụ bảo: "Tôi cũng là người bị nạn, tôi hiểu anh em". Sau này loại câu như thế người ta phải cắt đi.
- Nhưng mà chưa chắc làm thế đã tốt đâu. Cởi trói cho văn nghệ lúc này, mà những điều kiện khác (kinh tế, xã hội) chưa có, thì cũng không được việc gì. Bọn xấu bị đánh động nó cụm lại phản công cho mà xem. Ông Tố Hữu đã mỉa mai Trần Độ, à, các anh bây giờ được cởi trói rồi phải không!

- Nguyễn Đình Thi nói gì ở hội nghị? Thi bảo, tôi tha thiết đề nghị các anh đừng phát động quần chúng. Phát động quần chúng thì những người không có tài năng sẽ nổi lên, diệt hết người có tài.
… Cái ông Thi này căn bản rất ích kỷ. Ông ta có yêu ai bao giờ đâu. Một tay bẻ hết mấy cành phù dung. Ông ta diệt tạp chí chuyên về văn học nước ngoài rồi, lại còn sẵn sàng diệt trường Nguyễn Du nữa ấy chứ. Bây giờ chung quanh toàn những Kim Lân, Thợ Rèn thì còn được việc gì.
- Đọc báo chí Hà Nội đủ thấy chưa đâu vào đâu cả. Mà cấp trên thì đã ghét lắm rồi. Ông Nguyễn Đức Tâm rêu rao trên tờ Lao động: “Đây, báo đăng bài của tên Lê Dụng(?) một tên về hưu (trước là thứ trưởng Bộ Công An) đặt vấn đề công tác tổ chức…” Rồi cả Bộ chính trị chửi bới, chỉ trừ có ông Linh là không nói gì, sau lại đỡ hộ. Trong TW, ông Linh cô độc lắm. Hôm gặp văn nghệ sĩ, mấy anh em nhà mình cứ một giọng xin TW bảo chúng tôi, bảo chúng tôi. Thế là ông Linh đỏ mặt lên "Hãy tự cởi trói mình trước khi trời cứu". Tức nói đến Trung ương là nói đến chỗ rất đau của ông.
Với bài ông Linh, coi như Đại hội Nhà văn đã xong. Giờ chỉ còn minh hoạ. Và làm công tác tổ chức.

Nhàn: Các anh chuẩn bị đón họ phản công.
Nguyên Ngọc: Đúng. Khải nó bảo bây giờ Bộ Chính trị ông nào cũng dính với một vụ rồi, thì còn làm sao mà giẫy ra được nữa.

Tôi (VTN) hay nghĩ cái được nhất của những cuộc họp này là nói rõ rằng văn nghệ của ta rất nghèo.
Lạ thật là cái võ của các ông trên. Một mặt, các ông ấy chê bai mình cấm đoán mình. Mặt khác, ông ấy lại bảo ta có một nền văn nghệ xuất sắc. Thế thì còn biết đằng nào mà lần. Trói xong lại bảo đố mày bay lên – hồi chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã mấy lần nói với tôi cái câu ấy, lần nào nói xong cũng cười khà khà sung sướng.

Nguyên Ngọc kể tiếp:
- Chính ông Trần Độ là do ông Linh đưa trở lại. Vì ông Linh với ông ấy quen nhau từ hồi ở trong rừng. Bây giờ ông ấy vẫn bảo tự do về kinh tế thì có tôi(Nguyễn Văn Linh), tự do về văn hoá thì có anh (Trần Độ).
Ông Độ nghĩ ra được nhiều việc cụ thể lắm. Ví dụ, ông ta đề nghị sẽ có nghị quyết của Ban bí thư về các vụ án văn nghệ trước đây.
Ông Khải bây giờ đã trả sao, trả mũ, chuyển sang sinh hoạt ở Hội nhà văn. Ông ấy vẫn đận đà không muốn ra Hà Nội. Nguyên Ngọc bảo ông phải ra, tôi không làm hộ đâu.

Nguyên Ngọc trở về báo Văn nghệ như thế nào?
Một lần nói chuyện, Nguyễn Minh Châu có ý giá trao tờ báo cho Nguyên Ngọc thì hay nhất.
May đâu, gặp dịp Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu lên gặp Trần Độ. Nhân Trần Độ bảo: “Các anh phải củng cố tờ báo Văn nghệ cho tốt" ông Nguyễn Đình Thi buột mồm "Hay là anh Ngọc trở lại báo.”
Ông Độ khôn lắm, không nói gì. Lúc tiễn ông Thi và Chính Hữu ra cửa, ông ấy mới bảo các anh nhớ bàn ý kiến về báo Văn nghệ, như ý anh Thi vừa nói.
Nguyễn Đình Thi biết hố rồi, về, tính lại. Triệu tập các ông trong ban thư ký có mặt ở Hà Nội. Thống nhất đồng ý để Ng Ngọc về. Rồi gọi vào cho Chế Lan Viên và Anh Đức, chờ ý kiến cuối cùng.

Về sau, họp thường vụ, Anh Đức mặt tím bầm (ai đó bảo: mặt như cô hồn), đứng lên nói:
- Tôi biết thừa bụng các anh rồi. Chính các anh cũng không muốn anh Ngọc về, nhưng các anh lại đẩy việc quyết định cho chúng tôi để đằng nào cũng được việc, mà tôi với anh Chế Lan Viên lại mang tiếng ác. Nhưng tôi với anh Chế Lan Viên bàn nhau rồi, chúng tôi đồng ý, cho các anh biết mặt.
Đấy, Anh Đức là cái loại trắng trợn đến thế kia chứ, Nguyên Ngọc nói thêm. Anh em nó vẫn bảo Anh Đức ít chất Nam bộ hơn ai hết.

Còn ông Chế Lan Viên, cũng lạ lắm. Khi tôi về báo Văn nghệ, vẫn là Nguyên Ngọc kể, tôi đã viết thư cho nhiều người, mời viết cho báo. Trong đó có Hà Xuân Trường (ông Trường trả lời nói là bận, không viết được) và có Chế Lan Viên. Nhưng bọn thằng Duy đại diện Văn Nghệ ở Sài Gòn nó không thích Chế Lan Viên, nên nó cứ kệ đấy. Ông Chế Lan Viên lên Sài Gòn tìm thư thì nhận trong thùng thư, chứ chúng nó không chuyển.

Ông Chế trả lời: “Nhận được thư Nguyên Ngọc, mình với Thường mừng lắm, giá thư thất lạc có phải sinh chuyện không".
Rồi ông ta góp ý kiến với báo nhiều điều rất cụ thể.
Hôm Nguyên Ngọc vào Sài Gòn, cùng với Nguyễn Duy, Ý Nhi đến chỗ Chế Lan Viên chơi. Chế Lan Viên cảm động ra mặt.
Chế Lan Viên bây giờ luôn luôn nói:
- Khen Trung Quốc không ai bằng tôi mà chửi Trung Quốc cũng không ai bằng.
--Tôi theo Đảng, Đảng sai tôi sai, Đảng đúng tôi đúng!
Tôi nghĩ, vẫn lời Nguyên Ngọc nói, thế thì ai cần anh nữa.
Nói chung, Nguyên Ngọc nhận xét Chế Lan Viên giỏi biến báo lắm, mà cả ông Trần Độ cũng nhận xét vậy.
Gặp Trần Độ ở Sài Gòn, Chế Lan Viên nhận ngay tôi là người giáo dở. Tôi ủng hộ Đào Vũ về báo Văn nghệ, nhưng tôi không trao quyền cho hắn làm tổng biên tập, mà chỉ làm quyền thôi, thế là giáo dở chứ gì. Tôi với Nguyên Ngọc giận nhau, nay tôi lại ủng hộ anh ấy về thay.

- Thế theo anh, Chế Lan Viên là người thế nào?
- Chính ông ta là người rất nhát, nên ông ta phải đánh mình tàn tệ thế, để một là khỏi mang tiếng liên quan, hai là chính ông ta cũng không có đằng nào mà rút nữa.
- Thế còn Nguyễn Khải?
- Nguyễn Khải lại là chuyện khác. Chuyện năm 1979, mình chả nghĩ làm gì, chứ vợ mình nó giận lắm. Một lần, Tâm nó gặp ông Khải ở đường, nó nói mát: "Anh Khải lâu không thấy sang nhà", Khải nó là người thông minh, nó biết. "Tôi là thằng phản bội, còn dám vác mặt đi đâu nữa". "Thế anh đã đọc Xốt nhi cốp chưa?". Khải chưa đọc, nhưng cũng đoán ra đấy là cuốn sách viết về thằng phản bội, nói loanh quanh rồi chuồn.

Nói chung Khải là người quá nhạy, cứ nghe cánh Nguyễn Đình Thi doạ cho mấy câu, thế là lại dao động, Nguyên Ngọc lại phải lên dây cót thêm v.v..
Tôi nghĩ, ông Khải không hết mình trong mọi chuyện, một phần vì bỏ việc tổ chức còn sáng tác, chứ Nguyên Ngọc ngoài việc ấy ra, chả có việc gì khác!

30-11
Gặp Hồ Ngọc bên sân khấu.
Hồ Ngọc kể hôm gặp ông Linh, anh em mình nói nhiều chỗ hố lắm. Ông Tô Hoài, ông Huy Cận thì lẩm cẩm rồi. Có buổi, tôi ngồi gần chỗ Trần Độ, nghe Huy Cận đến tỉa tót: “Anh Trần Độ, anh đừng quên tôi đấy nhớ". Ôi, nhà thơ Lửa thiêng gì mà khốn nạn thế !
Sau này bọn điện ảnh và các ngành nó bảo bọn văn học nó nói như bố ấy, còn chúng mình nói như trẻ con.
Có một việc là trong giờ nghỉ, ông Trần Độ có hội ý với ông Linh. Xong, ông Trần Độ nói chúng tôi vừa thống nhất là sẽ cho chiếu phim Hà Nội dưới mắt ai.
Thế là về sau ông Hải Ninh nghệ sĩ nhân dân cũng lên than thở đề nghị xét lại vụ Bãi biển đời người của ông ta. Anh em nó trêu: Bãi biển đầy ruồi.
Rồi bà Xuân Thanh lên khóc lóc nói rằng cháu không được lên lương, cháu không được đi học v.v.
Chả ra làm sao cả.
Cũng có một chuyện vui nữa. Dương Thu Hương lên phát biểu, nói khá rõ về vai trò người trí thức.
Nhưng đặc biệt nhất là đoạn cuối, Hương nó nêu có những người hôm qua vừa bị đánh thì nhăn nhó, kêu khóc, mà lúc được dùng lại thì sung sương rên lên, nói rằng mình như hạt bụi.
Hạt bụi gì, cuốn theo chiều gió à?
Kể ra, như thế là nói Nguyễn Đình Thi sát sạt rồi.
Ông Thi có khôn hồn thì im đi, vì thật ra, trong hội nghị cũng chỉ một phần ba người ta biết cái câu hạt bụi ông nói ở đại hội nhà văn lần trước. Thế cho nên, Nguyễn Khải ngồi cạnh Nguyễn Đình Thi đã phải giật giật Nguyễn Đình Thi mấy lần, ngăn ông ta lại.
Nhưng Nguyễn Đình Thi cứ lên. Nói là cấp trên đừng phát động quần chúng, rồi nói là chúng ta cũng có thành tựu của chúng ta chứ, những Con trâu, Vùng mỏ hồi nào.
Rõ là ấm đầu.
Đến đoạn cuối, Nguyễn Đình Thi lại quay về chuyện Dương Thu Hương vừa nêu. Tôi có nói trí thức là hạt bụi. Đấy là tôi muốn chống lại tôn giáo. Tôn giáo bảo con người chỉ là hạt bụi. Nhưng chúng ta là hạt bụi có tư tưởng. Anh em cười ồ cả lên, đến con người cũng chả có tư tưởng, nữa là hạt bụi.
Sau chuyện đó, uy tín của ông Thi càng giảm sút.

Còn như tôi, Hồ Ngọc, nói thế nào? Tôi chuẩn bị kỹ lắm. Tôi dẫn Lê - nin, tôi dẫn Mác đầy đủ. Khi không có tự do, thì con người ta trở nên ti tiện -- Mác nói vậy, và chỉ tôi mới lôi ra được thôi.
Tôi thấy có những anh em mình nói còn trật lắm. Anh Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng văn nghệ rất khó nắm bắt. Như thế là rơi vào bất khả tri rồi. Hoặc Lưu Quang Vũ nói rằng các ông tuyên huấn không nghe được gì cả, nói thế cũng là quá.
Tôi nghĩ phải tìm được một giải pháp vừa phải.Chuyện tôi cho là quan trọng nhất - chúng ta phải biết quý tài năng. Tôi bảo biết quý tài năng là biểu hiện của nhân dân văn hoá, đất nước văn minh. Không biết quý tài năng thì thôi, chịu. Và tôi đọc ra mấy câu thơ anh em nó sáng tác "Xưa kia đất nước rã rời-- cho nên nghệ sĩ coi trời bằng vung - Ngày nay đất nước anh hùng - cho nên nghệ sĩ coi vung bằng trời
Anh em nó bảo tôi bạo.
Nguyễn Kiên ra cười nhoẻn với tôi: "Không phải tôi coi vung bằng trời, mà cái góc vung đã bằng trời". Nói được như thế là anh em quý rồi.
Sau buổi phát biểu ở đấy, tôi thấy anh Nguyễn Khải, anh Nguyên Ngọc cảm tình với tôi hơn. Tôi cũng thấy cánh mình phải chạy đi chạy lại với nhau, không thể đứng rời ra được. Ông Trần Độ, ông Hạnh cũng coi tôi là một người có thể tin cẩn được, vẫn gọi tôi lên luôn! Tôi bảo các ông đừng can thiệp quá sâu vào mọi chuyện như ông Hà Xuân Trường. Kệ cho anh em nó làm là tự nhiên được.

Quyển sách mới của Dương Thu Hương không phải hay, nó viết nhiều chỗ cẩu thả, phô, nhưng nó có tâm huyết của nó. Còn chửi thì ghê lắm. Đã có người đọc trệch đi Chuyện tình kể trước lúc rạng mông cơ mà. Tôi góp ý kiến với Dương Thu Hương đủ thứ. Hôm nọ, ngồi có cả Nguyễn Khải, tôi mới bảo này, lần sau, cô đừng đăng những bài thơ như bài tuyên ngôn trên Văn nghệ vừa rồi nữa nhé. Cũ lắm. Nguyễn Khải bảo tôi cũng nghĩ, nhưng không dám nói.

Hôm gặp ông Linh, giới sân khấu cũng nhảm. Mẹ Thành chúa cơ hội thì lúc nào cũng mời mọc “cái này để mời anh Linh đi xem ạ!” Giờ nghỉ, thấy ông Linh ra, Hồ Ngọc phải tránh đi, nhưng cả bọn Lưu Quang Vũ, Hoàng Quân Tạo cùng xô đến... Vũ dám làm tất cả các việc mà Vũ vẫn chế giễu. Trong vở Chết cho điều chưa có cũng lại có “những việc cần làm ngay”, có “đồng chí NVL”.
Tôi nghĩ đến Vũ những ngày chống Mỹ. Tưởng là khác rồi, nhưng đâu có khác!

Ông Vũ Tú Nam kể Nguyễn Phan Hách bảo sướng quá, bây giờ cởi ra gỡ ra rồi, tha hồ viết.
Nguyễn Kiên: Viết khó hơn bao giờ hết chứ. Xưa muối hiếm kiếm được một hạt cũng quý. Nay cả làng người ta có muối rồi. Có biết tra không, hay có nồi canh, lại làm hỏng.

2/12
Nguyễn Quân kể:
- Hôm gặp ông Linh, tôi bảo các anh không đốt sách tôi, không xé tranh tôi, thế là được rồi. Còn nếu các anh làm vậy, tôi chỉ trách nhà tôi vô phúc. Và làm với nhiều người, thì cả nước vô phúc.
- Đất nước gì mà tri thức gặp vua còn kêu đói, kêu không có tất, thì ra cái thá gì nữa. Ông Nguyễn Đình Thi dẫn đủ thứ Hy La ra, bảo rằng người ta có thể tin vào cái sai, nhưng nếu tin thì vẫn có thể thành công trong văn nghệ - Solokhov tin vào Stalin, vẫn có Sông đông êm đềm. Thế thì còn nói sao được nữa! Khả năng tiếp cận chân lý của anh ở đâu.
Ông Mạnh với mấy ông bảo khi bị khinh bỉ, thì con người ta ti tiện đi. Nhưng có đúng thế không? Sao người trí thức lại để mình bị ti tiện đi được.
Sở dĩ nước ta không ra gì, vì trí thức nước ta không tạo được bi kịch lớn. Chứ cứ như ở Nga này, lúc nào gần nửa trí thức nó cũng ngồi tù, thì làm sao nó không lớn được.
Một người như Trần Dần biết điều đó đấy. Gặp tôi về việc đứa con, ông ấy chỉ bảo thôi đừng bới mọi chuyện ra làm gì, có gì đáng bới. Thế là biết đấy.

À, lại nói chuyện gặp ông Linh, ông Tào Mạt cũng mang những ý rất cũ ra rao giảng. Tôi phải bảo bây giờ không phải thời văn nghệ sĩ dâng Sách bình Ngô, cũng không phải thời làm hề. Anh hãy quan niệm văn nghệ như một nghề, đấy mới là điều cần thiết.
Bố Tào Mạt cứ dạy cả nước làm vua, thì còn ra cái lý cố gì nữa!

Nói chung, tôi hay có lối trả lời khiến các lão rất ngại. Như ông Thanh lại có lần đến bảo: Bây giờ mình sắp về hưu, hôm nào mình đến cậu bảo mình vài vấn đề cơ bản của nghệ thuật, có gì cần, làm cố vấn cho các anh. Tôi mới bảo, sao lại thế được? Mười năm nay em giảng cho anh, anh không hiểu thì một hai buổi hiểu sao nổi. Mà tuổi của anh thì không học được rồi, giá anh cứ thi vào khoa tại chức trường em, chắc em cũng đánh trượt anh thôi.
Lại có nhiều ông phê phán tôi phá hoại nền mỹ thuật nước nhà.
Tôi mới bảo ngay nền mỹ thuật nước nhà không yếu đến mức một mình tôi phá được đâu. Còn như sau tôi, người ta không thể vẽ như anh Cẩn trước đây, đấy lại là chuyện khác.


7/12
Quân lại nói về lần gặp ông Linh:
- Mọi người thường nói là mong trên thông cảm. Không thể có chuyện như thế, chúng ta không nên đặt ra câu hỏi cũ, rồi tìm cả câu trả lời mới. Vấn đề bây giờ, là đặt ra những câu hỏi mới. Ví dụ nên có luật làm sao để các thành uỷ, tỉnh uỷ không can thiệp vào công việc của các nhà hát hay đoàn kịch. Chứ còn có người duyệt, thì tức là có lúc thông cảm lúc không thông cảm,rồi có bao giờ ra sao.
- Tôi còn đề nghị thêm một điểm. Là cấm người viết phê bình nói nhân danh Đảng. Muốn gì thì muốn, phải nhân danh cá nhân. Sai đúng bàn sau.
- Chính ông Trần Độ cũng phải công nhận là ở nước ta, người biết cứ đi hỏi người không biết. Hội đồng nghệ thuật thông qua rồi, lại còn đi hỏi Bộ trưởng. Trần Độ vốn ghét Văn Phác nên bảo vậy.
Cũng như bác ấy, bác biết sao được về mỹ thuật bằng cháu, mà cháu vẫn phải hỏi bác —Ng Quân nói lại Trần Độ.
- Cái tội của nước mình, là dạy cho dân triết học, mà bắt trí thức học lễ, trong khi, suy cho cùng, chỉ trí thức mới cần triết học, còn dân chỉ cần học lễ - lễ theo nghĩa rộng, nghĩa là phép cư xử.

Trà: Quân có cái thánh thiện của nó. Nó hiểu được âm nhạc, tôn giáo.
Nhàn: Tôi thấy ông Quân có cái vô tư của người bên ngoài nhìn vào, không có những cái rác, cái bọt bẩn mà do sống quá lâu trong giới, mình cũng bị nhiễm.

27/12
Một người bạn cũ, kể chuyện Hà Nội - Sài Gòn.
          -  Sau khi  Phan Ngọc cho in  Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều , Cao Xuân Hạo bảo “Đọc xong quyển này, thấy người tài nhất là ông Phan Ngọc, thứ hai là Đảng ta, thứ ba mới đến Nguyễn Du.”
- Ông Hạnh phó ban hiện nay, cũng rầu lắm. Hôm họp ở Ban văn hoá văn nghệ thấy mặc cái quần có miếng vá, trông khá khốn khổ. Lại còn cãi nhau tay đôi với tay Hoài Lam nữa ( HL giáo sư mỹ học, ông Hạnh xưa cùng học với hắn). Mình phải bảo anh đừng làm thế mà chết. Ông Hạnh phải “tháo chốt ngay”.

Ở Sài Gòn, loại như ông Trần Bạch Đằng, cũng rất muốn chân TTK Hội những người viết văn thành phố. Trên bàn, rồi vẫn chọn ông Sáng (ông Anh Đức tự nguyện nhường vì nhắm vào trung ương). Trần Bạch Đằng ngồi nhà Anh Đức, từ 7g sáng, tới 2 giờ chiều, chỉ đay đi đay lại một câu: Anh là nghệ sĩ còn tôi là chính khách, tôi phải có chức vụ.
Ông Đằng cực đoan đến mức ông Nguyễn Văn Linh, ông Võ Văn Kiệt cũng phải sợ, không dám dùng.

Quanh cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử, nhiều người bảo tất nhiên Sử định buôn to. Nhưng loại như Tố Hữu thì không, lão không ơn huệ ai đâu. Thậm chí lão còn muốn nói là nhờ tôi mà anh trở nên nổi tiếng nữa, vậy anh phải cám ơn tôi mới đúng.
Chứ cám ơn anh thì tôi cũng là tầm thường như mọi người hay sao ?

Nước mình, ai người ta cũng bảo kỳ vừa rồi, đau nhất ông Tố Hữu. Đoàn Giỏi tới thăm về, kể lúc nghe tin, Tố Hữu lạnh cả sống lưng. Ngay Lê Đức Thọ cũng bất ngờ, vì việc đại hội không tín nhiệm Tố Hữu.
Phan Hồng Giang và Từ Sơn đến nhà TH chơi. Nghe đồn Phan Hồng Giang có nói với Tố Hữu một câu:” Chỉ tiếc là nay không có chú, tức là Trung ương mất đi những người trí thức có suy nghĩ...” Thế là Tố Hữu bưng mặt khóc (?!)
Hoài Thanh xưa nay vẫn bảo, văn nghệ nước ta, được Tố Hữu phụ trách còn là khá!

Những chuyện khác.
Ông Lê Đình Kỵ hồi trước khá đứng đắn. Nghe nói khi thơ Trường Chinh ra, có người bảo Lê Đình Kỵ phê bình đi, Kỵ bảo có phải thơ đâu mà phê bình.
Sau có người mách rằng câu ấy đã đến tai Đặng Xuân Kỳ, con Trường Chinh. Thế là Lê Đình Kỵ sợ lắm, phải viết bài, phát trên đài, in báo. Trước đó, nhờ Bảo Định Giang đọc hộ. Bảo Định Giang chỉ bảo anh trích sai nhiều quá.
- Ôi, quan trường là chuyện ghê gớm không ai lường nổi. Ông Trần Độ đại hội lần trước có chân Uỷ viên trung ương, mà không bố trí công tác đã buồn lắm, toàn đi chơi với bọn Trần Quốc Vượng, Hoàng Ngọc Hiến. Nghe nói (có anh kể) có lần Trần Độ phải đến khóc với Trường Chinh cơ mà. Mỗi lần đại hội, lo đến đái ra máu chứ. Vì có thể công lao từ trước đến nay mất hết.
... Chính trị nó lạ lắm. Ông Nguyễn Văn Linh có lần hô Lê Duẩn muôn năm, lại có lần bảo ý kiến của anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) là thế này, thế này. Khen hết lời ! Ông Nguyễn Văn Linh chỉ ghét ông Tố Hữu. Nghe nói vụ Cù Lao Tràm, ông Tố Hữu nhận định đã có một bàn tay bẩn dúng vào (tức NVL). Thế là Nguyễn Văn Linh càng cáu, về quyết trị bọn thằng Nguyễn Mạnh Tuấn thêm.
- Hiện nay, bọn CA văn hoá ở Hà Nội không thích gì loại truyện ngắn Tướng về hưu đâu. Đến thảo luận ở ban văn hoá văn nghệ cũng rất căng. (Loại như Phan Cự Đệ trước đây, đều là cộng tác viên của cục 78 cả đấy chứ. Đi xem phim, cứ giơ cái thẻ cộng tác với cục 78 ra, là vào hết!)

- Ông Phạm Văn Đồng bây giờ còn hay nói là mình kinh tởm các nước phương Tây, bởi văn minh của nó phi nhân tính lắm. Tức y như cũ.
Loại như ông Đồng, ông nào cũng có nhận quà biếu vidio, casset. Con cái bây giờ cũng phải buôn, vì hồi trước, chả có gì. Còn ông Nguyễn Khải, ông Chế Lan Viên thì nói gì nữa. Đi họp CA, cũng phải đi.
Đến bây giờ, mà trong buổi họp làm Bách khoa từ điển, ông Đồng còn bảo những khó khăn hiện nay rồi sẽ qua đi, vài năm nữa chúng ta sẽ đạt tới bước tiến mới, nhìn lại hôm nay sẽ khác.
Lâu nay, tôi quý ông Đồng lắm. Mình cứ lấy ông Đồng đối lập với ông Trường Chinh. Nhưng sự thật, ông Đồng có quý gì ai đâu. Toàn nói chuyện trừu tượng, chung chung. Đến lúc mình lỡ có viết gì, lại mắng mình. Nghe bảo năm 1974, ông ấy nói Nguyễn Thành Long ghê lắm.

-- Ông ấy chả cứu ai cả.
-- Đúng rồi, đến cả Trần Việt Phương, ông ấy cũng không cứu.
-- Nghĩa là ông ấy gọi các văn nghệ sĩ đến chơi, như người xưa gọi cô đầu đến hát. Xong thì thôi, không còn dây dưa gì.

Trần Đăng Khoa có lần kể với Trà một chuyện nhỏ, giờ Trà kể lại với tôi.
Lần ấy Khoa dẫn một đoàn thiếu nhi đến nhà Tố Hữu chơi.
-- Bác ơi, nhà của bác đây đấy à, thích quá nhỉ!
-- Không, đây là nhà của nhân dân, các cháu ạ!
Mới hơn Cũ hơn