VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhà Trần thời hậu chiến( bài tiếp)


 Sự tiếp tục các phương hướng vốn có trong chiến tranh là đường hướng chính của việc quản trị đất nước của các vua Trần, đó là điều tôi đã nói trong bài trong bài  Nhà Trần thời hậu chiến lần trước.

http://vuongtrinhan.blogspot.com/2015/05/cuoc-khung-hoang-cua-nha-tran-sau-khi.html

  Bên cạnh cái mạch chính ấy, để được thấu đáo  chúng ta có thể đặt một câu hỏi: thế có ai đương thời nghĩ ra một phương hướng khác?

  Đối với các nhà sử học trong nước, tôi chưa đọc được nhiều, song dự đoán là chả ai nghĩ vậy. Song ở hải ngoại đã có. Trong hoàn cảnh xa nước, người yêu sử ở hải ngoại có dịp nhìn nhận một cách khách quan cả cổ sử lẫn sử hiện đại. Cách đặt vấn đề  nhiều khi không được đặt ra một cách quá căng thẳng, người viết như làm một cuộc  “duyệt lãm” vui vẻ thanh đạm, nhưng nghĩ kỹ lại thấy có đóng góp.

****

I/
Tháng hai 2017, trên mạng Da Màu có in một bài ghi là của Lê Tư viết về Trần Nguyên Đán.

Bài này sau đó  được trang mạng Nghiên cứu lịch sử  đưa lại, nay có thể tìm ở đường link

https://nghiencuulichsu.com/2017/02/10/tran-nguyen-dan-1325-1390-dai-than-nho-si-nha-thien-van-kiem-dao-gia-phan-12/

  Đọc  qua tôi thấy đây là bài viết có sự tham bác hiếm có bao gồm cả sách vở chữ Hán, cả những tài liệu mới công bố ở báo chí Hà Nội trước và sau 1975. Đó là cách viết của những người thâm hậu Hán học quen xem văn  chương như một phương tiện phát biểu về lịch sử. Với tiêu đề Trần Nguyên Đán đại thần nho sĩ nhà  thiên văn kiêm đạo gia  bài viết có vẻ nói về con người đa dạng và các lĩnh vực hoạt động của Trần Nguyên Đán và trong mức độ nào đó là một thứ chân dung nhiều mặt của nhà thơ được mang ra làm đối tượng phân tích.  Nhìn vào cách triển khai thì đúng như tác giả đã xác định từ đầu tức là bám sát vào thơ  của nhân vật lịch sử được nghiên cứu.  Trong nguyên bản vấn đề mà bài này gợi ra quá rộng, rộng hơn tiêu đề đã nêu. Dưới đây, tôi chỉ  dừng lại ở  một khía cạnh là “các đề nghị  của Trần Nguyên Đán  về phương hướng giải quyết việc trị nước “ đã được  nhà nghiên cứu Lê Tư trình bày ở bề sâu của bài viết gồm những điểm gì  và chúng ta nên tiếp nhận như thế nào. Tất cả các ý tưởng cho tới các con số  các  chi tiết trích dẫn đều lấy từ Lê Tư, tất nhiên trong  đó có những đoạn  tôi cho  phép mình diễn đạt lại chút ít xuất phát từ sự hiểu của tôi.



II/

 Tóm tắt tiểu sử nhân vật được nói tới:

Trần Nguyên Đán (1325-1390) là hậu duệ đời thứ 4 của Trần Quang Khải (1241 – 1294), vị Thượng tướng em ruột vua Trần Thánh Tông.

 Ông từng giữ chức Ngự sử Đại phu thời Trần Dụ tông ( ông này làm vua từ 1341 – 1369).

Khi Nhật Lễ nối ngôi, chính sự rối ren, ông dâng thư can gián không được nên bỏ chức mà về. Khi Trần Phủ  phế truất Nhật Lễ, lên ngôi Minh Tông (1370 – 1372) phong Nguyên Đán chức Tư đồ, giao quản lĩnh xứ Lạng Châu (một phần các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng nay).

Năm 1374,  ông chủ  trì  kỳ thi tiến sĩ tổ chức tại Thiên Trường. Năm 1375, ông được giao việc quân trấn Quảng Oai (một phần thuộc Hòa Bình, một phần thuộc Hà Tây cũ). Tuy nhiên, do sở hữu phủ đệ tại Thăng Long, ta hiểu rằng Nguyên Đán kiêm quản công việc từ kinh đô, chỉ xuống địa phương khi cần thiết.

Năm 1385, ông về trí sĩ ở Côn Sơn cho đến khi tạ thế vào năm 1390. Chức vụ cao nhất của ông là Nhập nội Kiểm hiệu Tư đồ Bình chương sự, tước Quốc thượng hầu.

Nguyên Đán trưởng thành, làm quan suốt thời suy tàn của nền văn minh Lý-Trần.

Tóm tắt hoàn cảnh

Thực ra  chính quyền hồi ấy rất yếu. Điều này tôi đã nói rõ trong bài Nhà Trần thời hậu chiến  mà tên nguyên văn là Cuộc khủng hoảng của nhà Trần sau khi đánh thắng quân Nguyên đây chỉ dẫn lại Lê Tư để nói thêm.

  “Qua lời các nhà thơ đời Trần, chúng ta biết những địa điểm như Chi Lăng (Lạng Sơn), Chân Đăng (Phú Thọ), Trường châu (Ninh Bình), núi Phả Lại (Hải Dương) bị coi như vùng biên viễn, bên ngoài là không gian mường mán. Quyền lực triều đình chỉ nằm gọn trong đồng bằng sông Hồng, cộng thêm vùng duyên hải trải dài từ châu Ái đến biên giới Chăm. Không gian chật hẹp này loang lổ những thái ấp, điền trang, đất thế tập của thổ hào hoặc tài sản tôn giáo, những tiểu vùng mà quyền lực triều đình khó lòng chạm đến.

Phan Phu Tiên, sử gia đời Lê sơ có nhắc lại lời tâu lên Minh tông bởi kẻ sĩ đương thời về hệ thống quản lý thiếu chặt chẽ như sau:

Trong dân gian có nhiều người du thủ du thực, đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo.

Thời tiết thất thường  trên môi trường thoái hóa tại châu thổ sông Hồng vào nửa sau thế kỷ XIV là nguyên nhân quan trọng khác tạo nên biến loạn xã hội.

 Theo Lê Tư, “hoàn cảnh thúc bách từ cả hai phía trong-ngoài đòi hỏi tầng lớp cai trị phải thể nghiệm biện pháp khả thi nhằm thay đổi tình thế vì hiệu quả của cơ cấu chính quyền dựa trên lý thuyết tam giáo đồng nguyên nhưng đậm chất bản địa đã chạm điểm tới hạn.

 Theo tôi, do biểu hiện  dưới hình thức thơ tâm sự, các ý tưởng Trần Nguyên Đán có cái dè dặt của những lời tự nói với mình nhưng lại cũng khá rõ ràng. Nó gồm mấy ý:

--  có phải nguyên nhân tình trạng suy thoái là một lối cai trị thiếu trí thức

-- và điều này không chỉ  là trái với những nguyên tắc của Nho giáo mà là trái với lẽ phải thông thường.

--  đừng vì muốn làm khác Trung Hoa mà đi vào con đường sai lầm.

 Đến đây tôi nương theo Lê Tư để tóm tắt hai loại phản ứng của nhà cầm quyền trước tình hình trên và bề sâu của các loại phản ưng đó.

 Dụ tông thường chỉ được diễn tả như ông vua chơi bời hưởng lạc. Nhưng kháchquan mà thấy ông đã có thay đổi dù sự thay đổi này chỉ là nghe theo kẻ khác.

Toát lên ở các phát biểu của ông vua đáng chê này một lời khẳng định: chúng ta tan vỡ tại vì chúng ta  không dùng trí thức.

Và ông đã được các trí thức đương thời ủng hộ

 Đoạn trên vừa dẫn Phan Phu Tiên, ông này  mệnh danh “kẻ sĩ”, thuộc nhóm trí thức mới chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Tống nho  như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Trần Nguyên Đán. Các nhà nho thuộc trường phái Chu Văn An này đưa ra lời kêu gọi cải cách mạnh mẽ nhất là  phải xây dựng hệ thống hành chánh thư lại kiểu nho giáo, lấy phương Bắc làm mẫu mực.

Nhưng  dù đã  được Dụ Tông đỡ đầu, tư tưởng của  nhóm này vẫn không được các vị vua tiếp theo loại như Nghệ Tông tiếp nhận . Ngược lại trước các rối ren đa số trong giới quý tộc cầm quyền đổ lỗi cho chính  các nhà nho  mặt trắng.

  Đứng ở góc độ con người cuối thế kỷ XX đầu XXI mà dự đoán, tình hình chắc còn phức tạp hơn nhiều, nhưng đây đã là cái mạch đi chính của tư tưởng thời đại mà Trần Nguyên Đán   trở nên nhân vật ngược dòng

III/

 So với các vị tôn thất đầy uy quyền của nhà Trân bấy giờ, Trần Nguyên Đán  có cách nghĩ khác.

 Là một vị tướng oai danh hiển hách, nhưng trong nhiều trường hợp Trần Nguyên Đán lại có tâm trạng ngược hẳn với những cùng vai vế với mình hoặc nói cách khác là các đồng nghiệp, những người làm nên chiến công hiển hách để đời .

Hai bài thơ  sau cùng diễn tả tâm trạng Trần Nguyên Đán khi dẫn binh lính đi tuần ở các địa phương xa kinh đô. (chúng tôi chỉ dẫn bản dịch còn nguyên văn chữ Hán, mời các bạn đọc lại Lê Tư )

Cả hai cũng cho thấy chiến chinh là gánh nặng trong tâm vị tướng họ Trần và ông có cái tâm sự chẳng tiêu biểu cho người anh hùng chút nào: ông chán việc binh đao lắm rồi  và chỉ muốn về nhà .

 bài một

Sáng tác khi ở trong quân (Quân trung tác)

Chức Chấp kim ngô chẳng là nguyện ước bình sinh, 
Cười nói dưới cờ lọng quang dầu đâu phải kế lâu dài ! 
Chốn nào còn cảnh tượng đẹp mắt ?
Một đời không dám mang lòng dối trời !
Cuối mùa xuân, tiếng quyên kêu ai oán ngưng bặt,
Từ muôn dặm, lòng muốn về đối diện bóng trăng lẻ loi.
Ngồi chờ binh lính ca khúc khải hoàn, 
Tựa gối ngọc trên chiếu trúc nơi cửa sổ phía nam.

Đây không phải cuộc hành quân  hướng về đối thủ Chiêm Thành, kẻ địch khó chịu mà khi nhắc đến vua tôi Trần phải sa nước mắt.  Lúc này Nguyên Đán đang lo dẹp giặc cỏ nổi lên vì đói kém. Giết chóc hay bắt bớ dân đen dĩ nhiên chẳng mang lại hứng thú nào. Ông không dối lòng khi khẳng định chỉ muốn về nhà.

bài hai,

Cảm xúc khi ở trong quân ( Quân trung hữu cảm)

Mang thương, cầm bút, thân nhẹ như mây,
Nhẫm tính… rời nhà vừa đúng mười tuần,
Báo bình minh, gà vàng gáy kinh động giấc mộng đất khách,
Giục trở về, tiếng chim đỗ vũ đưa tiễn xuân tàn.
Đường đời còn dài, công danh chưa muộn.
Bèo nước gặp được nhau, cố nhân lại mãi nơi nào !
Chỉ nhàn tản giữa biển rộng trời cao,
(Như) chim âu trắng hiền lành nơi sông im sóng lặng.


 Hãy thử so sánh với một quab chức khác  Phạm Sư Mạnh, ông này được lệnh tảo thanh hoặc thanh tra khu vực rừng núi Đông Bắc-Tây Bắc, còn Nguyên Đán đi tuần khu vực duyên hải. Trong khi Phạm Sư Mạnh rất hãnh diện và nhớ ơn vua khi được chỉ huy quân đội, Trần Nguyên Đán buồn bã, cô đơn khi sống trong môi trường “kém thanh lịch” (chữ của Lê Tư). Ông chẳng màng đến mệnh vua khi xông pha bên ngoài.

  Thế đâu là nhân tố chi phối Trần Nguyên Đán trong những năm này? Ngược lại  với tâm lý say sưa vì chiến chinh,  lòng ông hướng cả về  sự phát triển của xã hội mà  công việc cụ thể là hướng về  việc đào tạo các phần tử trí thức  để dựa vào đó có thể cai trị một cách sáng suốt

Họa vần bài thơ xướng hoạ của các thí sinh trường thi

Hán, Đường, hai Tống, đến Nguyên, Minh,
(Đã có) Lệ đặt khoa từ chương để chọn người tài tuấn.
Sao giống cách cầu thực học của thánh triều !
Nên biết (cách tuyển này khiến) muôn đời sau dứt hẳn tiếng bình phẩm.
Xem sách xong lúc canh hai, cung điện thâm u,
Mưa vừa tạnh khi gió thu nổi, vầng trăng tròn đầy.
(Thắp) nén nhang ngự, hương bay thông đến cửa khuyết,
Mong nghe tên vị Trạng nguyên trung, hiếu.

Trong một dịp khác, ông có bài thơ sau đây, bài thơ khái quát cả  xu hướng  trọng văn khinh võ ở  cơ tầng sâu xa nhất

Tặng Mẫn Túc

Suốt đời chịu làm việc chế tác trống, tù và hay sao ?
Cười chết được bọn mặc áo cừu, hăm hở phóng ngựa.
(Họ sẽ) Thẹn thùng vì không có tiếng tốt lưu lại đời sau,
Bài hát cuồng loạn chỉ vọng lại âm hưởng thâm u.
Ai bảo vật này là vật phi thường !
Tự biết ta hôm nay cũng là ta lúc trước.
Khuyên ngươi hãy chuyên cần học theo Chu, Khổng,
Khoe lạ, đua khéo có cũng như không.

 Lê Tư dẫn giải:

Mẫn Túc hẳn mang vật lạ đến cho Nguyên Đán xem. Theo lời lẽ, cả Mẫn Túc lẫn “phi phàm vật” đều liên quan đến quân đội. Nhiều khả năng đó là chiếc trống hay cái tù và. Nguyên Đán không đánh giá cao món quân dụng tinh xảo, mà lại khuyên chàng trai trẻ theo nghiệp Tống Nho.  Trần Nguyên Đán  làm trong đài Ngự sử hoặc giữ chức Tư đồ, ngạch văn chức. Tuy nhiên, ông cũng kiêm coi việc quân ở Lạng châu, Quảng Oai. Câu “Tự giác kim ngô diệc cố ngô” (Tự biết ta hôm nay cũng là ta lúc trước  VTN chú ) rất thú vị: ông tướng bảo viên võ quan cấp dưới rằng ta vẫn là một văn nhân. Có nghĩa ông tự hào với một chữ văn - theo nghĩa rộng của thời trung thế kỷ tức chính trị tư tưởng....

Từ đây có thể dự đoán là khi bắt gặp những ý tưởng  muốn dự vào đạo Khổng Mạnh mà trước tiên là dựa vào các  trí thức  mà đám  Phan Phu Tiên nói trên đã bộc lộ,  Trần Nguyên Đán ngầm tán thành. Với việc Trần Nguyên Đán  đã từng là ngự sử dưới thời Dụ Tông, lại có thể nói không chừngông tướng họ Trần thích văn này là một trong những tác giả của những đề nghị đó.

IV/

 Thơ văn đời Trần thường được miêu tả như những chứng tích của chiến thắng. Trong cái mạch ấy, những bài thơ  của Trần Nguyên Đán mà Lê Tư dẫn ra như lạc sang một cái mạch khác.

Bây giờ chúng ta thử cắt nghĩa hai câu hỏi tại sao  lại có tâm trạng như vậy.

 Trước hết là những quan sát của Trần Nguyên Đán về tình hình xã hội đương thời

Thơ làm trong thuyền về ban đêm

Dân chúng khắp nơi như cá trong đỉnh nước sôi,
Đất Yên phía bắc, đất Biện phía đông đã thành gò đống.
Trên thuyền về, không dỗ được giấc mộng nơi sông hồ,
Mượn ánh đèn chài đọc quyển sách xưa.

Kèm theo những thể nghiệm trên, là những trải nghiệm  của vị ngự sử này  về giới quan chức
Nhưng cả hai cái đó chưa đủ, nếu ở những nhân vật tầm cỡ quốc gia như Trần Nguyên Đán thiếu đi học vấn.
Đến đây có một khó khăn  là chúng ta  không có tài liệu nào để hiểu về trình độ của giới quý tộc đời Trần.
Trong quá nửa phần cuối bài của mình, Lê Tư đã hướng tới một  chủ đề khác.
 Ông nói về những ảnh hưởng Trung Hoa – cụ thể là Nho học - với giới quý tộc đương thời.
Phần này gồm có mấy ý

1/ ảnh hưởng của Trung Hoa có từ thời đầu nhà Trần. Chính Chu Văn An là người đã  mang lại cả các lý thuyết nho học lẫn cái sinh khí mạnh mẽ của đám người di dân

2/ ở phần ngược lại, giới quý tộc Trần khồng thể tiếp thu nho giáo trọn vẹn vì họ muốn làm khác phương Bắc.

 Mấy ý rất quan trọng này của Lê Tư, trong trường hợp có thể chúng tôi sẽ trở lại vào một dịp khác.

 Ở đây, tôi chỉ chép lại một đoạn nguyên văn của tác giả mà tôi nghĩ là đã gói ghém nhiều ý khác nhau:

Theo Toàn Thư, Tiều Ẩn Chu Văn An người huyện Thanh Đàm (nay thuộc Hà Nội), được Trần Minh tông  mời ra làm Tư nghiệp Quốc tử giám để dạy Thái tử. Qua lời ca ngợi bên trên, chúng ta thấy Văn Trinh thuộc dạng cư Nho mộ Lão.

Cái mới mẻ trong phép tắc và học thuật của Văn Trinh đến từ nguồn nào ?

 Nhà sử học nổi tiếng ở Hà Nội Trần Quốc Vượng (1934 – 2005), người từng cùng Vũ Tuân Sán đến Thanh Liệt tìm hiểu sự tích liên quan đến Văn An đã phát hiện gia phả họ Chu, theo đó, cha ông là một người Phúc Kiến tên Chu Văn Hưng. Thanh Liệt chỉ là quê mẹ. Khi tổ tiên Ông đến biển Nam hẳn đã mang theo kiến thức mới lạ, vốn là thành tựu của văn hóa rực rỡ đời Tống. So với tiền triều Lý, văn thơ Trần dưới ảnh hưởng di dân có sức bật lớn, phồn tạp hơn về đề tài, đầy đặn hơn về số lượng, phong nhã hơn về câu cú. Nhà nho Đại Việt đã được (hay bị) Hán hóa mức độ cao hơn trước nhiều.

Nguyên Đán tin rằng quốc gia sẽ được ổn định nếu nhà cầm quyền sử dụng nho sĩ trong quản trị xã hội. Ý tưởng này vào thời điểm đó không hoàn toàn trùng hợp với đường lối trị nước của hoàng tộc Trần. Minh tông và Nghệ tông, mặc dù trao quyền cho nho thần một cách rộng rãi, vẫn phê phán ý tưởng cải cách điển chế quá triệt để của bọn “học trò mặt trắng”.

Bài viết của Lê Tư còn nói về phương diện đạo gia và nhà thiên văn ở Trần Nguyên Đán, nhưng tôi cho là mấy ý trên là thiết cốt nhất, nên tạm tóm tắt như trên.

Lê Tư còn là tác giả một bài viết nữa trên Nghiên cứu lịch sử mang tên Người Việt  hợp tác với giặc  Minh:
https://nghiencuulichsu.com/2017/06/12/nguoi-viet-hop-tac-voi-quan-minh/
tên đề lấy ở  ĐVSKTT
Toàn Thư: “京路多從賊以叛 Kinh lộ đa tùng tặc dĩ phản”

(Kinh lộ phần nhiều theo giặc làm phản.)
 bài sau này tôi cũng  rất muốn tóm tắt  vì nói về một khía cạnh bản chất của người Việt vốn hình thành từ nhiều thế kỷ trước. Nhưng xin để dịp khác.
Mới hơn Cũ hơn