VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Phạm Tiến Duật 1968-1970

Đoạn đầu bài này đã đưa 
trên blog của tôi ngày 3-8-2016.
Nhưng già nửa của bài -- đưa ở phần sau - 
là các ghi chép  mới được chỉnh lý.

Ghi cuối 1969 
...Phạm Tiến Duật học với tôi từ văn III 1963-64, bây giờ lại gặp nhau trong sinh hoạt của bọn trẻ. Ngày xưa đi học là một ông tướng chúa luộm thuộm và bẩn, nhưng mà ngày nào cũng làm thơ, tháng nào cũng có một tập thơ, độ 10-12 bài gì đó. Mỗi tập có tên, có bìa, có mục lục, làm xong là ào một cái, mượn xe đạp ra tận Hà Nội gửi. Say lắm, thỉnh thoảng lại õng ẹo gọi bọn con gái: “Có nghe thơ Duật không? Duật đọc nhé.” Đọc thật uốn éo, cười, cái cười rất say mà rất bốc, cười xong còn cúi mặt xuống thú vị một mình.

Hai thằng, đứa giường trên đứa giường dưới, cùng có âm mưu về văn nghệ cả mà không bao giờ nói với nhau. Cuối 1964, cùng ở Na Sản tôi đi từ chỗ  đai đội SKZ của E.148 lên doanh trại cao xạ chỗ Duật, anh chàng chỉ kể làm thơ rất nhiều. Rồi mãi đến cuối 1965, mới gặp lại nhau, anh về pháo binh, anh về vận tải và thỉnh thoảng cụng đầu ở các buổi họp của giới văn nghệ. Tôi chưa thể nhớ được ở Duật một cái gì, một câu gì cho thật rõ ràng cả, có lẽ vì thấy nó cứ thế nào ấy. Chỉ thấy đấy là một người rất tự tin và quý bạn. Đỗ Chu bảo: “Nó bảo mỗi lần đi chơi với mình về, nó lại khôn hơn lên một chút”. Được như thế thì thật hay. Duật quý bạn lắm, thằng nào cần gì nói nửa lời hỏi xin là Duật cho liền, khi cân gạo, khi ít tiền. Thỉnh thoảng lại trốn đơn vị, trốn từng buổi, ra nhà Nguyễn Lâm ngồi viết. Rồi cuối cùng là cái vụ cuối năm 1967. Giữ kho vật tư văn nghệ mà lại đi phát nhầm đài cho đơn vị, hụt vài trăm bạc. Định bán cái xe đạp để giả, thì sang thăm người yêu bên Gia Lâm,  chiếc xe bị một thằng vớ vẩn nó giật mất. Thế là tay trắng. Gần đến ngày kiểm điểm cuối năm rồi, trốn về nhà chị. Đêm nằm cứ ngẫm nghĩ định xin tiền, sáng ra trông thấy các cháu nheo nhóc quá, lại thôi. Đơn vị tìm nháo nhác cả lên. Khi  Hồ Phương  thay mặt tạp chí đến xin Duật về VNQĐ, người ta bảo:
- Đấy, người đào ngũ thế đấy, anh có xin thì xin.
 Hồ Phương bảo với tôi, đến nổi tiếng như Nguyễn Khải mà đi đâu một ngày cũng phải báo cho cơ quan nữa là...Đằng này.
Ngẫm cái đời Duật mấy năm nay thật vất. Năm 1965, đánh mạnh khu 4 thì vào khu 4. Năm 1967, nó tập trung vào Hà Nội, thì lại ra Hà Nội. Năm 1968, vào khu 4 trở lại, hứng lấy chiến tranh hạn chế, cuộc chiến  ác liệt nhất từ trước đến giờ. Và bây giờ chuyển vào 500, lại vượt cửa khẩu, ở với những đơn vị Cha lo, Cổng trời, nơi nhiều tay cán bộ tiểu đoàn vào là nằm bẹp, không dám ra mặt đường.
 Tôi đã đi với Duật vào những đơn vị vận tải (gồm từ xe đến giao liên binh trạm) hai lần. Đến đơn vị xin đi với anh em một tuần. Tuần sau ở nhà viết. Viết xong đọc cho mọi người nghe. Thơ Duật là một thứ thơ dễ dàng, đọc cho ai nghe cũng được. Lại có một kiểu trở thành người nhà rất tự nhiên với chung quanh. Các ông cán bộ phụ trách đơn vị thú lắm: “Ở với chúng tôi một tuần, một tháng chúng tôi cũng nuôi. Chỉ cần làm thơ thôi”. Và Duật đã làm thơ To là Zin 3 cầu, khoẻ là Zin 3 cầu, đại đội có mình nó, nên quý như con đầu. Làm xong thì chép vào những mảnh giấy, đứng ra phát cho anh em trước khi qua cửa khẩu. Thơ đã có mặt với người  lính lái xe đúng theo kiểu Phạm Tiến Duật.
 Nhưng mà đó cũng là điểm lo nhất của Duật hiện nay. Bởi vì cứ như thế mà kéo thôi, người ta sẽ hoá một thứ nghệ nhân, xẩm, không biết mình ra sao. Hình như so với người đời, mình đã giỏi quá rồi! Hình như luôn luôn được hoan nghênh, và ai mà lại không sẵn sàng làm đúng như người ta đã hoan nghênh được?  Sự thỏa mãn sớm sủa của Duật thấy rõ nhất là qua một bài thơ có cái tên khá dài Chào những đoàn quân tuyên truyền Chào những đoàn quân nghệ thuật. Sau khi ca ngợi một hồi về cách làm nghệ thuật dễ dãi của các đơn vị phong trào  nhà thơ nâng lên khái quát:
- Cứ thế cũng đã là nghệ thuật.
Chu nghe tôi kể bảo:
-- Thế thì không chơi với thằng này được nữa rồi.
-  Đừng tưởng thơ của những thằng hay chơi với nhau là giống nhau đâu, tôi nói thêm. Từ trong con người đã khác, khác nhiều. Những thằng như thằng Bằng Việt nói chuyện với nó lại thấy mình sáng láng lên một chút, đúng là một thứ thông minh kiểu trí tuệ.

Lối làm thơ của mỗi người khi mới viết hình như còn theo mãi người ta  về sau. Duật làm thơ, cũng như người đồng hương Nguyễn Đình Ảnh, lạ lắm. Duật kể, ngày xưa đi học, đọc sách Thư viện tỉnh Phú Thọ theo danh sách từ 1, 2... đến hết, lại đọc từ đầu. Trước khi làm thơ về nông nghiệp lo tìm các sách khoa học phổ biến như  sách về cây khoai lang, cây đỗ và cả  cây  lúa nữa, đọc kỹ các phần chi tiết và cả kỹ thuật gieo trồng. Đọc thêm sách về những vùng xa và cây cỏ các vùng ấy, như đọc báo Thống Nhất thì  chỉ cốt tìm bài nói về tỉnh Bà Rịa, cây Vú Sữa... Năm ấy, khi  Bài thơ cuộc đời được in ra, tôi nhớ Duật đọc rất kỹ, đọc xong chỉ khen Huy Cận làm thể thơ gì cũng giỏi, chỗ này trong bài này là học ca dao, chỗ kia là học thơ Đường v.v...( lúc ấy chúng tôi vừa học một chuyên đề Thơ Đường với thầy Trương Chính). Duật hay lam nham mỗi thứ một tí. Còn học một chương trình cho đến đầu đến đũa thì rất lười, không bao giờ theo đề tài nào cho trọn vẹn.
Con người Duật nhẹ nhõm hóm hỉnh, thơ Duật rất hóm hỉnh. Cái cầu Vệt, Chú Lư phố khách – các bài ấy cùng một thứ tiểu xảo ngôn ngữ cốt gây ấn tượng.  Đúng hơn là nó biểu hiện một lý tưởng thẩm mỹ tầm thường, thích thú với những chi tiết ngồ ngộ. Ví dụ bài Chuyện lạ gặp trên đường hành quân. Mỗi dịp nhắc lại bài đó với các bạn, Duật đều khoe cái câu: “Dấu vết voi xưa vừa đi vừa đóng"
 – Các cậu thấy không, chữ đóng thì hay thật, hay quá còn gì nữa!

Duật yêu người, dễ tin người, giao việc gì cũng nhận và nghĩ mình làm được, cứ liều là xong. Hỏng việc thì bỏ đi và quên ngay.  Đi đến đâu  cũng gây ấn tượng ngọt ngào dễ chịu. Đi đến đâu cũng không chịu ngồi yên một chỗ mà mò đi chơi đủ hàng xóm chung quanh. Chiều người, chịu nghe người ta nói, lại còn làm thơ tặng người ta. Cái câu tiêu biểu sau đây là do một cô bé ở Đoàn Chèo kể với tôi. Vừa đón họ đến với Đoàn bộ 500, Duật đã õng ẹo:
- Tiếc quá, các cô mà vào đây sớm thì hôm qua  đã được gặp một đoàn bướm vàng rất lớn mấy năm nay đi sơ tán mới lại trở về.
  Duật cũng là ví dụ cho kiểu nghệ sĩ dễ dãi và hay quên. Có một cái bằng đại học cũng mang đi theo rồi vứt trên đường. Ở Cục vận tải, Duật có một cô yêu hờ là cô Liên. Cô ấy nhiều lần đến thăm Duật.  Một anh ở tuyên huấn vận tải kể, đúng là họ cũng khéo tìm nhau, cô kia chân đi đất, quần thủng buộc túm ống rơm v.v..
Tôi tự nhiên ngứa mồm bảo với các anh cơ quan: 
-- Thằng Chu nó về đây sau cũng được, nó đủ bản lĩnh để sống ở đơn vị mà không thành tỉnh lẻ. Thằng Duật, thằng Hoàng thì phải gọi ngay nó về, mới khá lên được. Không sợ Duật viết không ra. Chỉ lo Duật không viết được hay hơn nữa.



...tháng 10/1970

Bộ mặt thời sự văn nghệ thường phụ thuộc vào cái này: người nổi tiếng trong một thời gian nào đó. 
Hồi này, đó là Phạm Tiến Duật. Có người  đã nói đó là cao hơn một nhà thơ, có những phương diện còn cao hơn nền thơ - đó là một Apollinaire  của Việt Nam. Người ta ví Duật như Apollinaire , không phải do những cách tân về thơ ca, mà vì ông nhà thơ đầu thế kỷ XX này là người cứ lăn đi chiến trận, rồi lúc nào đó, lại quay về, lại đưa ra thơ, làm tất cả mọi người xôn xao cả một lượt!
Từ tháng năm tới tháng chín năm nay  tôi đi theo 304 vào Bắc Trị Thiên. Đây cũng là lúc Duật về Hà Nội, lĩnh giải báo Văn Nghệ,  được VNQĐ cho ở tạm ngay cái phòng của tôi với Nhị Ca. 

Nghe mọi người kể lại, thì trong những ngày này Duật hiện ra như  một người ở rừng về rất khôn ngoan, tự tin, nhưng cũng rất, rất dại dột; một người thuộc loại vất vưởng đâu lạc vào, không ai không kính trọng mà người ta  vẫn thấy xa lạ không ăn nhập được với không khí của những người làm văn nghệ ở đây. 
NgKhải kể: 
-- Mấy tuần ấy, con Điệp và con Bưởi chạy là cứ gãy gối. Lúc nào cũng có khách. Chúng nó nói ríu cả lưỡi lại “Ối - anh Duật ơi là anh Duật ơi! Hồi trước ở nhà, anh Nhàn đã lắm khách, sao anh lại còn  nhiều bằng mấy anh Nhàn thế này hở?”
Đúng thế thật.  Chốc lại thấy một người hỏi, toàn là những báo nọ báo kia. Đến nối tôi ở phòng bên cạnh cũng sốt ruột lây, nhiều tay nó gõ cửa nhầm, tôi mới tức mình, tôi đéo ở đây nữa.

Gớm, -- vẫn lời Khải - thằng Duật là cứ cuống cà kê cả lên, mặt mũi nó hốc hác đi. Có lần, nó tâm sự với mình em bận quá, chả còn viết lách được gì nữa anh ạ.
- Ông cứ yên chí, đời người chẳng phải ai cũng được như thế đâu, có người được nhiều, có người được ít... ta cứ tận hưởng cho xong.
Nhân bảo như thần bảo, quả nhiên ít lâu sau con Lý Phương Liên nó đè luôn.
Nhàn: Nghe anh nói, những ngày ấy Duật  lố bịch lắm.
Khải: Quả thật, cũng lố bịch một tí chứ, trách làm sao được. Khốn khổ, người đang ở chốn chiến trường, sợ từ tay trung đội trưởng trở đi, bây giờ gặp thế làm gì mà không thích. 
Lần đầu tiên Tạp chí  mình có xe Volga để cổng đấy chứ ? Xe ông Trần Việt Phương đến gặp Duật đấy.  “Đây là mấy cái đĩa mới nhất, chỉ có anh Tô vừa  nghe xong, Duật nghe là người thứ hai..." "Đây là cuốn sách anh Tô được biếu ".

 Những thói quen một người nổi tiếng bắt đầu nhiễm vào Duật. 
 NgKhải còn nhớ hôm ấy Duật bảo ông Bính [trợ lý văn nghệ đang ở tầng dưới]: “Em bị mệt quá, bây giờ các anh có cái đĩa nào mới em mượn tạm”. “Ờ, cậu phải nghe nhạc chứ !” - Và Bính cho mượn mấy cái đĩa của Betthoven thì phải. Hôm sau ghé vào, thấy nhà thơ đang mở máy, tay gõ nhịp, có lúc lại cũi xuống ghé sát tai vào bên máy nữa.
 Hồ Phương nói những ấn tượng chung nhất: 
-- Vừa đi vắng  về, tôi cũng thấy cái chuyện cho ông Duật đại bản doanh ở đây là chối ngay rồi. Và thế nào mà việc Thủ tướng mời cơm nhiều người biết quá, việc Đại tướng cho cái các cám ơn cũng nhiều người biết quá, thế là thế nào?
 Đấy là Duật trên phương diện nghề nghiệp. Còn sinh hoạt thì sao? Một anh bên trị sự bảo:
-- Để ông ấy ở đây thì cũng được thôi. Nhưng một là  khách nhiều điện quá, khách và điện nhiều hơn chủ nhiệm tạp chí, cứ hết người nọ đến người kia. Sau lại cả những bạn ông ấy mới gặp, mới quen nữa, cũng đưa về đây hết. Thứ hai là ăn uống ông ấy cũng không trả đủ tiền ăn, phiếu gạo cho bếp ông Điền.
Ng Khải chỉ nói ngắn “… Nhưng mà bẩn thượng hạng. Ông xem xem, cái chỗ kia, khéo khi ông ấy đái vào đấy đấy”. 
Đến lượt các cô Điệp, cô Vòng: 
-- Về khoản bẩn thì khỏi phải nói. Mở cái phòng con của anh ấy ra thì hôi không chịu được. Đi ăn cơm, đứa nào cũng thích nói chuyện với anh ấy, mà đứa nào cũng sợ ngồi cùng mâm. Anh ấy nói chuyện vui lắm, ai cũng muốn nói chuyện với anh cơ, nhưng mà lúc ăn cơm mà phải ngồi nói chuyện với anh ấy thì rất ngại. Có lần em đã nói xa nói xôi: "Anh Duật này, thế trong ấy thiếu nước lắm anh Duật " “Ừ, thiếu nước lắm " "Thế ngoài này nhiều nước chứ" " Ừ , nhiều nước".
 Nói đến thế thôi, chứ còn nói gì nhiều nữa?
Nhưng mà anh ấy nói chuyện vui lắm. Anh ấy bảo sống sao cho nhìn thấy mặt nhau nữa chứ, làm gì mà phải quá nặng nề với nhau. Hôm mẹ anh ấy ra đây, lúc về anh ấy kể dẫn mẹ đi, được một lúc, mẹ kêu con mua cho mẹ bắp ngô luộc. Thì ra cụ đi ra Hà Nội mà vẫn chỉ thèm bắp ngô luộc.

 11/1970
 Những ngày Duật ở 4 Lý Nam Đế, Xuân Quỳnh ở báo Văn Nghệ cũng thường xuyên đến chơi. Khi tôi hỏi lại thì Quỳnh kể:
-- Hồi ấy ông Duật nhiều người quen quá, đến nỗi tôi cảm thấy đến gặp ông ấy thì cũng thiếu tư cách.
Ông ấy nhiều người chờ như chờ vào khám bệnh ấy.
 Quỳnh nói rộng ra: 
--Tôi có cảm tưởng ông Duật ông ấy đối với ai cũng vậy, không có thân sơ gì cả. Mới gặp  rất dễ nói chuyện. Nhưng nói chuyện nhiều không được
-- ...
-- Tôi chẳng hiểu ông Duật ông ấy yêu bà Mỹ Dạ thật hay đùa. Hai đứa đi với nhau trong Hà Nội cứ vật và vật vờ, không hiểu đứa nào dựa vào đứa nào. Với ai ông ấy cũng làm như là ông ấy có thể yêu cả. Hóa ra ông Duật chỉ yêu chính ông ấy thôi. 
Từ chuyện Duật, Quỳnh nói sang chuyện Đỗ Chu:
-- Tôi biết là ông Chu cũng không thật thà gì đâu, dù ông ấy còn khôn hơn là ông Duật. Gặp nhau mà cứ mang tác phong lính tráng ra với mình, lắm lúc cũng đến chết dở với các ông ấy. Ví dụ có hẹn mình, không bao giờ đúng hẹn. Sau lại còn õng ẹo nửa xin lỗi, nửa bỡn cợt nữa chứ. 
Những lời bàn Xuân Quỳnh về Duật đến tai Đỗ Chu. 
Khi nói với tôi, Chu vớt vát cho bạn: 
 --  Những ngày tao với nó đi chơi, rồi về nằm nói chuyện, thì mới thấy gặp nhau trong nhiều ý nghĩ lắm. Đi nhiều, biết nhiều, nó mà là một thằng cơ hội thì chắc ghê gớm lắm.
… Nhưng mà có nhiều điểm, thấy ông ấy cũng cứ làm ào đi mà được.  Cả tập thơ là đứng đắn, nhưng mà số còn lại cũng chỉ độ một nửa, còn một nửa cũng xẩm lắm. 
Còn đi chơi với ông ấy thì buồn cười. Ông ấy ở rừng quen rồi, chả biết sợ là gì nữa. Lão Dương phó phòng tuyên huấn dưới kia, tao cũng phải sợ nó bỏ cha đi. Hôm ấy vợ ra chơi, đang đến xin nó tha ra ngoài ngủ, Duật đứng đấy cứ vênh vênh lên, cho Chu nó đi mà không làm sao đâu. Trông ông ấy cứ nhơn nhơn lên, tao sợ quá. Ông ấy không nói đỡ thì chớ, lại còn gây vạ. Thành ra ông ấy sắp thò ra ngón gì, tao phải chặn đi. 
Có lúc phải bảo: 
-- Duật vào được lên gặp anh Văn đấy anh ạ. Cụ thích Duật lắm. 
May đến lúc sắp chia tay, Duật nó mới lại nói với lão phó phòng được một câu nên hồn:
- Em đang được in tập thơ. Để khi nào xong em gửi Chu xuống cho anh.
 Về  cái nhìn của giới cán bộ chính trị với Duật, Chu cho biết thêm, hôm nọ ông Trần Cư trước mặt đại diện tuyên huấn các nơi, kêu là ông Duật tự kiêu, một thằng đi họp ở chỗ tao về nói lại. 
Một lão khác, không biết là người của ban bệ nào, nói cảm tưởng chung:
- Ừ, cái tay Duật ấy, lấc cấc chết đi được ấy mà.
Chu khái quát :
-- Thằng ấy cứ lúc mê lúc tỉnh là thường. Nó nói thế là mê. Nhưng lúc khác, nó đến Vũ Tú Nam bảo ông này nhận xét được, thế là tỉnh chứ gì. Hôm nọ gặp ông Thi - ông Thi kể vừa nói chuyện về Nhật ở tạp chí. Duật nói ngay hôm nào mấy đứa đến chơi, nghe anh nói chắc hay hơn.
Nhàn: Thế là không hiểu ông Thi rồi. Ông Thi rất thích mọi thứ đình đám sang trọng.
Chu: Ừ, thì không hiểu. Nhưng có lúc lại hiểu. Như nó đến nó mắng lão Trần Cư cái việc in thơ của nó chậm, thì nó lại tỉnh, lại hiểu chứ còn gì nữa.
Về chuyện cái uy của Duật, Chu kể :
- Người ấy thì là quyền phép lắm. Tao với nó đang ngồi thì có lão ở báo Thống nhất đến xin bài.
- Có, tôi có bài rôi, nhưng chưa chép được, mà bây giờ đang bận.
- Thế thì mai tôi lại.
- Nhưng thơ tôi là phải đăng liền ba bài, chứ không đăng được một bài. Có đồng ý hãy đến.
Ông ấy đã có thơ đâu. Tối mới ngồi làm. Làm luôn ba bài trong một tối. Hôm sau, tay kia đến, nó đưa ra, lại còn dặn phải đặt vào đâu như thế nào, tay kia nhất nhất làm theo cả.
Hôm sau, Duật mang tiền cho anh em ăn bánh tôm.
Hà Nội dạo này có nhiều cán bộ đơn vị giành dụm được  nhiều tiền, về hậu phương tiêu một mẻ thả cả, để rồi lại vào Trường Sơn, ăn rau với muối.
Duật cũng thế. Về khoản tiền bạc của Duật sau giải thưởng, anh Nhị Ca từ lâu đã nói với tôi, ông Duật này mới có mấy đồng vặt đã vung vít lên, làm sao gọi là nên người được.
 Nhưng Duật  còn vung vít cả về mặt tài năng. Duật thử dùng quyền hành của mình, người ta để cho Duật cái quyền đó. Nhưng tất cả, với những người thạo đời, vẫn là xa lạ, ngớ ngẩn.
Những ngày Duật về Hà Nội , Duật và Chu đi lang thang khá nhiều nhà, đi đâu cũng có đôi với nhau. Bọn tôi nói đùa: chắc nó nghĩ đây là một người nhất thơ đi với một người nhất văn xuôi. …. có khả năng nghĩ như thế lắm. 
Có lần Chu kể:
- Hôm nọ, nó lại ngồi cho ông Lình Chi vẽ đấy... Ông này đã vẽ tao một lần, tao sợ quá, phải mang về quê giấu đi ngay. Bây giờ lại đến ông Duật. 
Buổi trưa Duật đến. Bảo với họa sĩ:
- Để vừa ngồi, Duật vừa đọc thơ… . Anh nghe thơ anh hiểu Duật thì vẽ Duật đúng hơn.
Nhưng mà tranh ông Duật do Linh Chi vẽ lại đẹp chứ, lão ấy sẽ bày trong triển lãm sắp tới.
Mới hơn Cũ hơn