VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Khao khát sự ổn định hay là lời than tiếc bên một ga đường sắt du lịch


Hè 1964, tôi học xong lớp văn ba đại học sư phạm, chuẩn bị vào nghề. Bố tôi chỉ dặn không ai người ta cho con về dạy ở Hà Nội đâu, con cố xin về một tỉnh ở trung du hay đồng bằng. Xa thủ đô mấy cũng được, nhưng cốt là có đường xe lửa, có đường xe lửa thì cũng như đầu ngõ nhà mình rồi.
Đốí với những người sinh đầu thế kỷ XX như bố tôi, đường sắt nghĩa là sự ổn định, hay nói như chữ nghĩa ngày nay là “bước vững chắc trên con đường hiện đại hóa “, chỉ có điều xã hội lúc đó do người Pháp dắt dẫn.

Cuối tháng sáu 1964, tôi cùng với những Phạm Tiến Duật, Tô Hoàng, Nguyễn Chi Phan, Đặng Trần Trọng...nhận được lệnh nhập ngũ do chính chủ tịch ủy ban hành chính TP Hà Nội Trần Duy Hưng ký.
Ngày 5-8- chúng tôi ngồi xe tải lên Tây bắc cũng là ngày bắt đầu chiến tranh sau gần mười năm tạm nghỉ.
Giấc mộng được sống trong một đời sống hòa bình thịnh trị mà tôi cảm thấy rõ trong đời sống văn học Hà Nôi 1960- 64 thế là chấm dứt.
Tới 1967, khi tôi chuyển về VNQĐ thì cũng là lúc tuyến đường sắt dài nhất lúc ấy, chuyến Hà Nội Vinh đã hoàn toàn tê liệt.
Các chuyến tàu khác như Hà Nội Lào Cai, Hà Nội Đồng Đăng cò cưa đi lại chẳng theo giờ giấc nào cả.
Trong một bài phiếm luận viết về những thói hư tật xấu do chiến tranh để lại, tôi đã kể có những chuyến tàu đương đi thì dừng lại, lái tầu thấy có bàn bán thịt theo phiếu liền tạm đỗ xuống xếp hàng mua nốt mấy phiếu cho gia đình.
Thật là “phản đường sắt”, vì lẽ ra đường săt phải là đi lại theo đúng lịch trình có sẵn theo thời gian quy định.
Dẫu sao, nói tới đường sắt những năm chiến tranh vẫn là thành tích , nhất là phần vận tải hàng hóa.
Giọng ca Bích Liên có bài Về đây với đường tàu đầy hào hứng đến nay tôi vẫn thích nghe lại.
Sau 1975, việc khôi phục đường sắt và nỗ lực đó đã đươc hoàn thành vào cuối 1976.
Việc con đường sắt cổ lỗ được hoàn thành một cách gấp rút như thế được coi như một niềm tự hào chỉ vì nó là dấu hiệu cần thiết để chứng tỏ tinh thần thống nhất đất nước.
Những nỗ lực gắng gượng đó không chỉ mang dấu ấn ý chí luận giả tạo, mà càng ngày tôi càng thấy nó là biểu hiện của một xu hướng phản tiến hóa là bất chấp chuẩn mực, phớt lờ kinh nghiệm của những người đi trước
Đường sắt chúng ta từ bấy đến nay vẫn là một thứ đường sắt lạc hậu nhất thế giới.
Chúng ta chẳng hiểu gì về cái xã hội phát triển mà ta gọi là chủ nghĩa xã hội, mà thực chất chỉ là giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản.
Chỉ cần có một chút lương tri tối thiểu, người ta có thể nhận ra ngay rằng thứ đường sắt ốm yếu được khôi phục lúc ấy chỉ mang lại cho nền kinh tế hậu chiến một sự thống nhất giả tạo.
Chẳng bao lâu nó bị xếp sang một bên để các địa phương cách xa nhau cả ngàn cây số gắn kết với nhau chỉ bằng ô-tô
Thật là kỳ cục khi thấy ngày đêm hàng đoàn xe tải chở hàng phá nát những con đường và tạo ra một sự phát triển mạnh ai nấy làm.
Nhưng cuộc phát triển kinh tế hậu chiến ở ta là vậy.
Vận tải bằng ô tô tô nghĩa là tùy tiện là tha hồ buôn lậu tha hồ móc ngoặc, và điều đầu tiên là nó làm cho hàng hóa tăng giá.
Một điều tôi muốn ghi nhận thêm: rồi sự nhôn nháo trong giao thông hiện nay chỉ khiến cho cách sống cách nghĩ của chúng ta lúc nào cũng có cái vẻ vội vã gấp gáp, mà hóa ra chẳng đâu vào đâu cả.
Trong khi đó, từ tốn nhưng chắc chắn, công cuộc hiện đại hóa đầu thế kỷ XX đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong tâm lý con người.
Tôi đã nghiệm ra điều ấy khi tìm hiểu chủ đề đường sắt trong văn học tiền chiến,
http://vuongtrinhan.blogspot.com/…/oi-song-ben-con-uong-sat…
(Với tư cách một người nghiên cứu văn học, đối với tôi văn học Việt Nam tiền chiến luôn luôn là một nền văn học chuẩn mực.)
Tôi viết những dòng này, khi vừa từ Đà Lạt trở về.
Mỗi lần lên cái mảnh đất rất quý tộc mà rất Tây phương ấy, tôi đều đến thăm ga du lịch Đà Lạt .
Nếu tra mạng về đường sắt ở VN, bạn sẽ gặp nhiều trang viết về khu ga du lịch này.
Đây là một đoạn
"Ấn tượng đầu tiên khi du ngoạn trên tuyến đường sắt Đà Lạt – Trại Mát là khung cảnh nơi đây mang đậm vẻ cổ kính, thơ mộng. Nhà ga Đà Lạt được thiết kế với phong cách kiến trúc giống các nhà ga đường sắt ở châu Âu, ga có 3 mái hình chóp, lợp ngói đỏ, vươn cao lên trời xanh tựa như đỉnh núi Langbiang, chiếc đồng hồ lớn đặt trên đỉnh tháp giữa đã mãi dừng lại ở mốc thời gian 17 giờ 50 phút. Trong nhà ga, mọi nội thất như gạch lót sàn, ghế chờ, phòng bán vé, trần ga, những ô kính màu và cả những dòng chữ Quốc ngữ “đời đầu” như “cáo thị giờ tàu”, “lý trình hỏa xa” đều được giữ nguyên như lúc ga mới khánh thành. Trong sân ga, chiếc đầu máy chạy bằng hơi nước cồng kềnh, phủ màu đen, đỗ trên đường ray như “chứng nhân” lặng lẽ của ga Đà Lạt; cạnh đó là những toa tàu thô sơ, dãy nhà kho, nhà nghỉ làm nơi cất giữ hàng hóa hoặc chốn nghỉ qua đêm cho hành khách cũng nhuốm màu rêu phong. Tất cả khiến cho du khách cảm giác như thời gian nơi đây đã dừng lại từ lâu lắm và trước mắt họ là một nhà ga với những chuyến tàu và những hành khách của một thời xưa cũ."
Tôi tin những ai hiếu cổ như tôi – đúng hơn là thích sự phát triển chậm rãi từ tốn hơn là mọi sự chen chúc nhốn nháo - khi đến Đà Lạt đều dành thời gian thăm cái ga cổ này, để rồi trở về luyến tiếc sự phát triển ổn định một thời.
Thời xưa khi sự giao thông vận tải còn khó khăn, người ta thường rất xúc động khi bắt đầu những cuộc ly biệt.
Trong cuốn  Quốc văn giáo khoa thư do ông chánh thanh tra tiểu học Trần Trọng Kim và các đồng sự soạn cũng có một bài viết về thứ tình cảm cổ điển này mà kết lại là một câu cảm thán “ Ôi cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!”.
Thời nay con người đi như mây bay gió cuốn, ai hơi đâu mà xúc động kiểu ấy nữa. Chẳng mấy khi có sự đưa tiễn. Chuyện sụt sùi nhắc tới nghe mà buồn cười. Nhưng tôi cho rằng như thế cũng tức là chúng ta ít nhiều có bị nghèo đi một chút. Chỉ cần đọc các tập Tùy bút I, Tùy bút II, nhất là tiểu thuyết Thiếu quê hương , Nguyễn Tuân viết trước sau 1940, là bạn sẽ thấy thèm được làm người xưa như thế nào.
Mới hơn Cũ hơn