VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Phác thảo tiểu sử Xuân Quỳnh (IX) - tự nhiên và một chút hoang dại

 Còn nhớ vào những năm sáu chín, bảy mươi gì đó, tôi đã được nghe nhà thơ Trúc Thông, cũng trạc tuổi bọn tôi,  nhận xét thẳng thừng:
- Cô Quỳnh tài thì tài thật, nhưng nếu có một lớp nghiên cứu và trao đổi nghiêm túc về lý luận thơ ca, thì muốn dự với danh nghĩa bàng thính cũng không đủ tư cách.
Tôi không biết cãi lại làm sao.
Nói về mặt văn hoá thì sự bắt đầu của Quỳnh quả có thấp thật. Trong Sơ lược lý lịch để ở Hội Nhà văn (khai 29-8-82) Quỳnh ghi trình độ văn hoá lớp 10 (hết cấp 3) có lẽ cũng là một sự áng chừng.
Một trong những bài thơ Quỳnh đắc ý cuối đời là bài Tự hát  trong đó có hai câu:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Ý thì rất hay. Nhưng trong sinh học, không có chuyện làm sống lại những hồng cầu đã chết. Chỉ có những hồng cầu hết hạn sử dụng, vỡ ra tại gan và những hồng cầu mới sinh ra, thế thôi.
Để toán học và lý, hoá, sinh một bên, - hãy nói tới kiến thức hàng ngày. 
Bài Bao giờ ngâu nở hoa là một thứ thơ cảm đề nhân đọc mấy câu thơ Nắp đàn khoá sợi dây vẫn hát - Bao giờ ngâu nở hoa của Lưu Quang Vũ mà viết ra Quỳnh đã mượn ngâu để nói về tình cảm của mình.
Những bông hoa nho nhỏ
Chỉ có chút hương đầu
Ẩn vào trong kẽ lá
Như mối tình lặng câm
.....
.....
Mùi hương không hẹn trước
Tình yêu đến bất ngờ
Em đâu biết bao giờ
Mùa hoa ngâu ấy nở
Khi Tự hát, tập thơ in bài thơ trên được phát hành là cuối 1984, nhà văn Nguyễn Tuân còn sống. Lần ấy, tôi và Xuân Quỳnh đang đứng nói chuyện ở sân thì được Nguyễn Tuân gọi lại.
-  Các cô các cậu có biết người ta không gọi là ngâu nở mà gọi là gì không?
Trong lúc Quỳnh còn ngớ ra, chưa biết trả lời bề nào, tôi vụt nhớ lại cái chữ lúc nhỏ vẫn nghe mọi người trong gia đình nói về ngâu, liền nhanh nhảu kêu lên:
- Ngâu chín! Thưa bác có phải bảo ngâu chín mới đúng!
- Đúng. Sói và ngâu, người ta không nói nở như các loài hoa khác.
Nhắc lại những chuyện này để thấy việc học tập là vô cùng, còn Quỳnh, cũng như nhiều cây bút có tài khác thuộc thế hệ chúng tôi, thực sự là không có sự bình tâm để mà học, cứ sống lướt đi và còn rất nhiều chuyện đáng lẽ cần biết mà vẫn chưa biết.
Có thể là lúc nào đó, với một vài nhà thơ nào đó, thừa kiến thức mà thiếu năng khiếu nghệ thuật, Quỳnh đã có những lời bốp chát, khiến mọi người thành kiến.
Song, nói chung, Quỳnh rất hiểu cái chỗ hổng chỗ thiếu của mình, và rất lo học. Với tư cách một người có quen biết Xuân Quỳnh từ 1967 tới khi Quỳnh qua đời, tôi dám cả quyết như vậy.
Nhưng trước hết, hãy nói về chuyện năng khiếu.
Thời xưa, tương truyền có những nhà thơ xuất khẩu thành chương, những người buộc phải làm thơ trong một hoàn cảnh căng thẳng gấp rút nào đó, và danh bất hư truyền, bao giờ cũng làm xong trước sự ngớ ra kinh ngạc của những người làm thơ.
Gạt đi lối bắt vần ép chữ gò gẫm kiểu mấy chàng hay chữ làm thơ con cóc, thì đúng là có những người sinh ra để làm thơ, và các bài thơ câu thơ hiện ra một cách xuất thần, nghĩa là thật dễ dàng, như có ai ốp đồng vào tay vậy kiểu như thơ Hồ Xuân Hương:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Thơ Tú Xương :
Sông kia rày đã nên đồng
Nhất là câu kiều tuyệt vời, một trong những câu hay nhất được viết bởi ngòi bút Nguyễn Du:
Mai sau dù có bao giờ
Nhà thơ lao tâm khổ tứ thế nào không biết, nhưng khi đến với độc giả, tác phẩm phải mang được cái vẻ đẹp thuộc loại cao quý nhất trong văn học vẻ đẹp tự nhiên. Nhà sáng tác phải biết làm chủ cảm hứng của mình, phải biết thai nghén chuẩn bị, lại phải mau mắn thông minh khi sinh nở. Những người thành công cho biết càng kéo dài thời gian viết, tác phẩm cũng dễ nhạt.
Năng khiếu nói ở đây, bao gồm tất cả những sự hiểu biết một cách bản năng thế nào là thơ, cũng những xúc động người thường có thể bỏ qua, thậm chí, coi là vô ích, cho là có hại, song chúng lại là lẽ sống của người làm thơ. Dưới đây là một đoạn định nghĩa về cảm xúc thơ, được Xuân Quỳnh trình bày dưới hình thức những biểu hiện mà mất đi, trước mắt chúng ta không còn là nhà thơ nữa
Trận mưa xuân dẫu làm áo ướt
Nhưng lòng em còn cảm xúc chi đâu
Mùa đông về quên nỗi nhớ nhau
Không xôn xao khi nắng hè đến sớm
Chuyện hôm nay sẽ trở thành kỷ niệm
Màu phượng chẳng nồng nàn trên lối ta đi
Gió thổi nơi này không lạnh tới nơi kia
Lời nói tâm tình trở nên nhạt nhẽo
Nghe tiếng con tàu em không thể hiểu
Tấm lòng anh trong mỗi chuyến đi xa
Em không còn thấy nhớ những sân ga
Những nơi đã đi, những nơi chưa hề đến
Khát vọng anh dẫu hoà trong sóng biển
Sóng xô bờ chẳng rộn đến tâm tư
                       Nếu ngày mai em không làm thơ nữa
Chất thơ ở đây, đồng nghĩa với cái khả năng mau mắn trong liên tưởng và tự nhiên  tinh tế trong việc nắm bắt bằng hết mọi biểu hiện cuộc sống; chất thơ ấy, đối lập với cái gọi là nhịp đời êm đềm, song thật ra là ù lì hàng ngày “không nỗi khổ, không niềm vui kinh ngạc”
Một khi đã nhận chân cái gọi là chất thơ như thế, - truớc tiên là biết gọi ra những sốt sáy nóng lạnh ấy của mình, trình bày nó ra trước bạn đọc như là cái gì tươi nguyên, duy nhất - Xuân Quỳnh thực đã chứng tỏ cái gọi là năng khiếu, mà ai cũng biết là không thể thiếu cho nghề nghiệp.
Giữa những người đang sống và đang viết không dễ gì để nói chính xác ai sẽ còn lại với văn học sáng tác của ai là có giá trị lâu dài. Song nếu như cần nêu lên một người hình như rất gần với thơ, sinh ra để làm thơ, thì nhiều người gặp nhau ở cái ý: Xuân Quỳnh đáp ứng đúng cái định nghĩa đó.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh có lần bảo riêng với tôi:
- Thơ Xuân Quỳnh tự nhiên, như đã gọi là phụ nữ, thì phải sinh con đẻ cái vậy.
Sau khi đọc xong bài Sóng, đăng trên báo Văn Nghệ đầu 1968, nhà thơ Vũ Cao cũng có tâm sự, đúng kiểu đồng nghiệp vẫn nhìn nhau:
- Bài này Quỳnh nó viết bợm thật. Nghĩa là đọc xong, tự nhiên mình cũng có ý nghĩa là phải viết, viết một cái gì cho ra trò một chút,  cho nó phải nể.
Một mặt, phải nhận là trong khi ở nhiều người khác, loại năng khiếu này thui chột rất nhanh, thì ở Xuân Quỳnh, thứ của trời cho ấy gần như còn mãi cho đến cuối đời. Nó gắn với bản tính bẩm sinh ở Quỳnh. Nó mang lại cho Quỳnh biết bao vui sướng đau khổ, như chúng ta sẽ thấy.
Mặt khác, phàm đã làm thơ, người ta đều biết là với bất cứ ai, năng khiếu cũng là không đủ, và Xuân Quỳnh cũng không phải là một ngoại lệ.
Trong một thời gian dài mấy năm đầu 1970-71, vấn đề bồi bổ kiến thức với lớp nhà văn trẻ đã  có dịp bột phát và được nhiều người nói tới. Xuân Diệu, hồi ấy, từng nói thẳng với chúng tôi :
---   Khen tuổi trẻ nhiều khi cũng như khen thời gian. Thời gian qua đi, lứa sau hơn lứa trước là chuyện tất nhiên. Nhưng tuổi trẻ nhiều khi không biết quý thì giờ. Từ 20 đến 35, người ta bay bằng đôi cánh của thiên nhiên, đôi cánh trời cho. Nhưng nếu không chịu học thêm, lúc 35, đôi cánh tự nhiên yếu đi, không đủ nữa, thì sống làm sao nổi?
Trong đời sống, Xuân Quỳnh không phải là người hay gần gũi và chuyện trò với Xuân Diệu: có lẽ những gì tương đồng thì không hút nhau mà đẩy nhau chăng?
Nhưng loại ý kiến như trên của Xuân Diệu, thì Xuân Quỳnh rất thấm thía.
Phần trên, chúng ta đã cùng đọc qua đoạn thư Xuân Quỳnh gửi Vân Long, nói nỗi phân vân của mình, khi rời khỏi văn công mà một trong những lý do Quỳnh nêu lên khá chính đáng: ở văn công được đi đây đi đó, và đấy là một dịp để học hỏi thêm. Sự bồi bổ kiến thức Quỳnh đã đặt ra với mình từ ngày ấy.
Khi trở về Hội Nhà văn, Quỳnh càng hối hả lo việc học, trước  tiên là học thêm tiếng Pháp để làm việc.
Nhớ lại những kỷ niệm về Xuân Quỳnh (sau vụ tai nạn 8-1988) nhiều bạn cùng tuổi không thể quên những buổi cùng học môn ngoại ngữ này với Xuân Quỳnh ở báo Văn Nghệ.
Một trong những người cùng học nữa với Xuân Quỳnh, là Võ Văn Trực. Bề ngoài, hai người trông khác hẳn nhau, Trực củ mỉ cù mì, nông dân thiết thực, Quỳnh tài hoa duyên dáng lại nhanh nhảu, tươi bưởi. Song sự chăm chỉ thì hai người gần như không có gì khác nhau. Với Trực, Quỳnh có thể không sợ dốt để học nói, học viết.
Người cùng học tiếng Pháp với Xuân Quỳnh lâu hơn cả là nhà văn Vũ Thị Thường. Quỳnh vốn quen chị Thường từ lớp học Quảng Bá. Sau này, Quỳnh thường qua lại gia đình Chế Lan Viên - Vũ Thị Thường, như qua lại nhà ông anh bà chị. Điều may mắn cho Xuân Quỳnh là Chế Lan Viên  dạy ngoại ngữ cho vợ theo một kiểu riêng, dạy bằng cách tự mình dịch các bài thơ tiếng Pháp ra tiếng Việt, dịch một cách cặn kẽ, từng câu từng chữ,-- và bảo người học đối chiếu hai bản mà học. Cách dạy này giúp cho người học có thói quen xử lý văn bản ngay khi học chữ mới.
Không rõ Vũ Thị Thường tiếp nhận lối học này thế nào, chứ với Xuân Quỳnh, đây là cách học lý tuởng, bởi cùng một lúc, đạt tới hai cái đích, vừa về ngôn ngữ, vừa về thơ. 
Tôi nhớ, khi mới làm quen Xuân Quỳnh, đã thấy Quỳnh có một cuốn sổ khá dày, loại sổ bọc ni lông lúc ấy mới bắt đầu phổ biến. Đi đâu, Quỳnh cũng mang quyển sổ đó trong túi, rồi giở ra ôn lại. Khi mới quen Xuân Quỳnh tôi hỏi mượn, Quỳnh nhất định từ chối. Mãi về sau, khi đã thân hơn một chút (1969) mới được  mượn về chép. Đáng chú ý là trong cuốn sách Quỳnh đặt vào đó những gì thân thiết với trái tim mình, một lá thư Lưu Tuấn xin lỗi Quỳnh trong dịp hai người giận nhau và tấm ảnh nửa người của một bạn trai, mà lúc đó, Quỳnh quý mến hơn hẳn các bạn khác. 
Sau đó là thơ, những trang thơ chép dày đặc.
Cố nhiên với một người hoạt động văn hoá - ở đây là một người làm thơ - việc học ngoại ngữ không phải là tất cả. Quan trọng hơn, còn là cái mặt bằng kiến thức của anh đến đâu, khả năng của anh trong việc vừa mở ra, tiếp nhận sự phong phú của cuộc đời, vừa nâng cao lên hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó, cái triết lý thấm sâu trong nó. 
Bàn về cái phần kiến thức cơ bản ấy ở Xuân Quỳnh, tôi ngần ngại, nhưng cuối cùng vẫn phải thành thật mà nói rằng, trong cuộc đời mình, nó là thứ Quỳnh không bao giờ có nổi. 
Có thể là vì, thật ra, nói là lo học, nhưng Quỳnh còn phải sống, phải làm việc vui chơi trò chuyện với mọi người lấy đâu ra sự bình tâm, như cậu học trò ngồi trên ghế nhà trường. Lại nữa công bằng mà nói, cuộc chiến tranh sôi động cuốn người ta đi, đây là thời gian tiêu xài sử dụng các loại kiến thức chiến tranh, kiến thức để đánh trả kẻ địch, đâu phải “thời lượm đá”, thời xây dựng nền đắp móng cơ bản. 
Bởi vậy, việc học của Quỳnh lại càng khó khăn thêm một bậc. Trong đám văn nghệ sĩ nhà nghề, chỉ có một việc được coi là quan trọng nhất và gần như duy nhất là đi thực tế. Nói một chuyện nhỏ rất thiết thực: nếu anh là một người làm thơ chẳng hạn, mà anh lại lăn lộn đến một điểm nóng nào đó, của cuộc chiến đấu, rồi anh trở về đưa ra một bài viết ít nhiều có liên quan đến điểm nóng ấy, thì dù bài của anh có hơi yếu một chút, người ta cũng sẵn sàng giới thiệu trên mặt báo. 
Còn một bài thơ đi vào tìm tòi nghệ thuật thì khó hơn nhiều! 
Một người tinh khôn như Quỳnh cố nhiên biết thừa điều đó. Nhưng có lần Quỳnh vẫn nói nhỏ với tôi:
- Đi thì tôi có thể làm được bài nọ, bài kia. Song ở nhà, tôi học được. Cái ấy đối với tôi, lúc này còn cần hơn đi nữa kia.
Tôi còn nhớ nét mặt của Xuân Quỳnh trong một đôi lần trò chuyện về văn chương. Khi nào nghe tôi kể vừa mới đọc thêm quyển này quyển kia là y như Quỳnh có vẻ buồn hẳn, buồn một cách chân thành. Và bởi lẽ ngày mỗi cảm thấy có bao điều đáng học mà mình chưa học được nên càng về sau, lối biểu hiện tình cảm ấy ở Quỳnh càng rõ rệt hơn.
Là người làm lý luận phê bình, tôi đã bao lần khổ sở vì bị một số người sáng tác rỉa róc, coi những điều nói ra viết ra của mình là vô bổ, là không đáng giá chi cả. 
Sự sùng bái thực tế và khinh rẻ sách vở ở những người này là điều có thật, chỉ có điều có khi nó biểu hiện ra trâng tráo thô bạo, có khi kín kẽ, không dễ phát hiện.
 Trong một số ít người sáng tác xa lạ với lối bỉ bác sách vở ấy, luôn luôn có Xuân Quỳnh. Quỳnh coi các bài phê bình của tôi, trong những trường hợp khá nhất, cũng là văn học, và sau khi biết rõ rằng tôi không có khả năng làm thơ viết truyện, càng thiết tha khuyên tôi nên tập trung tìm hiểu và sống hết lòng với lý luận phê bình, như Quỳnh đã hết lòng sống với thơ.
Trong số những bài thơ, mặc dù không hay lắm (vì có phần diễn giải dàn trải ), nhưng riêng tôi cho là nói được cái  chất chủ yếu làm nên  con người và thơ Xuân Quỳnh, có bài Hoa dại núi Hoàng Liên
Sau khi tả rất nhiều loại hoa mà loại nào cũng được thêm một định ngữ: hoa nếp mỏng manh, hoa diếp vàng cô độc, hoa nghệ dại ngẩn ngơ, hoa sim tím một nỗi buồn hoang dã, Quỳnh đưa ra những suy nghĩ:
Anh đừng hỏi tên hoa làm chi nữa
Những hoa này chỉ hoa dại mà thôi
Không phải hoa được ở cùng người
Được chăm sóc trong mảnh vườn sạch cỏ
Được khoe đến muôn màu sắc lạ
Và được đời chiêm ngưỡng mùi hương
Không phải hoa được cắm trên bàn
Trong ngày hội của những niềm vui mới
Những hoà này lại nở cho triền núi
Lại nở cho vẻ đẹp của rừng chung
Nên ít ai để ý sắc từng bông
Chỉ thấy núi muôn màu rực rỡ
Đôi khi giẫm lên hoa mà chẳng nhớ
Những hoa này chỉ hoa dại mà thôi.
Bài thơ được viết trong sổ tay đã lâu, trong chuyến đi của Quỳnh lên Lào Cai khoảng tháng tám tháng chín 1969 hay 1970 gì đó, nhưng hình như tác giả cho là không hay nên chỉ đọc cho một số bạn mà không cho đăng báo. 
Về phần mình, tôi cảm thấy mặc dù lời lẽ có phần kể lể  thiếu hàm súc song  đây là bài thơ Quỳnh nói về bản thân một cách bột phát, nhưng lại như là đã nghĩ từ lâu lắm. Có thể là không có ý thức, nhưng Quỳnh đã nhìn hoa rồi vận vào mình. Một hai lần trong câu chuyện vui đùa, tôi từng đọc trệch Hoa dại núi Hoàng Liên thành Hoa dại góc chợ Hôm (nhà 96 phố Huế trông sang chợ Hôm), bởi lẽ tôi cảm thấy con người Xuân Quỳnh, cách tồn tại của Quỳnh trong đời là cách tồn tại của loài hoa dại này trước hết, và bao trùm nhất là trong đời sống, trong phong cách sống của con người, trong quan hệ với gia đình anh em bè bạn. Nhưng sự hoang dại này - hoang dại với nghĩa tốt đẹp lẫn cả nghĩa xót xa vì thiệt thòi hạn chế  - cũng là phong cách làm nghệ thuật của  nhà thơ, phong cách tồn tại của một thanh niên trẻ tuổi kiểu như Xuân Quỳnh. 
Khoảng 1991, khi cần viết một bài báo gom lại cuộc đời Quỳnh,  tôi nhận ra cái mô típ hoang dại là một mô típ phổ biến nhất ở trong cuộc đời làm thơ của bạn. Tổng hợp lại tôi đã đặt cho bài viết cái tên Xuân Quỳnh và những vui buồn của kiếp hoa dại.  Từ Quỳnh tôi nhận ra hoang dại không phải là phận của riêng ai, mà  chỉ chung nhiều người. Tôi đã mở rộng cái tên bài viết về Quỳnh thành tên tập sách viết về những người khác.  
Có dịp làm quen với Quỳnh trong hai chục năm cuối đời của bạn, tôi nhận ra một sự thực. Một mặt, mặc dù thông minh, nhạy cảm và rất chăm chỉ nữa song Quỳnh không thuộc típ người sinh ra để học, và khó lòng nói rằng đây là một  con người của  học thức, kiểu các nhà thông thái đọc thiên kinh vạn quyển như chúng ta vẫn gặp. Quỳnh không có cái chất ấy. 
Nhưng còn một mặt khác, có điều lạ là nhiều khi đọc xong một quyển sách mà vất vả lắm tôi mới hiểu được, phải vận dụng khá nhiều loại kiến thức tôi mới đi tới được gần với kết luận của người viết sách, song khi tôi trình bày sơ giản các kết luận mà tôi tạm gọi là khá phức tạp và sâu sắc kia, thì Xuân Quỳnh lại hiểu ngay, lại chia sẻ rất nhanh và  lại vận dụng ngay vào cách nhìn đời.
 Cái ý tưởng xem Quỳnh như một thứ cây dại, hoang dã, khỏe mạnh... đến với tôi, rồi không sao từ bỏ được, lý do một phần là vì như thế. 
Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi  là một người bạn với gia đình Lưu Quang Vũ -- Xuân Quỳnh những năm tám mươi, người đã dựng nhiều kịch bản của Vũ trong đó có Hồn Trương Ba da hàng thịt bất hủ. Anh Nghi thường làm việc với cả hai vợ chồng Quỳnh khi kịch bản mới viết. Vào khoảng những năm 90, anh Nghi có kể lại với tôi một vài chuyện về khâu công việc này và nhận xét:
- Chính những người đọc nhiều lại thích nói chuyện với Xuân Quỳnh, có lẽ vì luôn luôn tìm được ở cô ấy  những ý tưởng, những suy nghĩ mà mình không có, hoặc có nhưng cứ mơ hồ bảng lảng và khúc mắc nữa, chứ không đơn giản mà hồn nhiên sinh động như khi Quỳnh phát biểu.
Mới hơn Cũ hơn