VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thêm mấy đoạn ghi từ báo chí văn nghệ Sài Gòn trước 1975 về Dương Nghiễm Mậu

1/ Về bức ảnh Trần Cao Lĩnh Chụp Dương Nghiễm Mậu, nhà nhiếp ảnh (hay là một người có biết việc này) kể lúc đầu bối cảnh là một hành lang dài tối tăm có những khung cửa tò vò sau thì đổi thành một đồng hồ treo trên tường.
Đồng hồ đủ chữ số nhưng hai cây kim lại rớt xuống, buộc lủng lẳng bằng một sợi dây…
Và Dương Nghiễm Mậu thì tủm tỉm cười nghĩ đến thời gian kỳ quái trên chiếc đồng hồ kỳ quái. (Trong số ảnh Trần Cao Lĩnh chụp còn có ảnh Vũ Hạnh - ông này tươi cười dưới một họa phẩm cháy tiêu hết chỉ còn một cái khung.)




2/ Trong một bài báo người ta tả Dương Nghiễm Mậu người gầy mỏng xương xẩu má hóp sâu, cặp mắt chất chứa tinh nghịch, nụ cười độ lượng, tiếng cười hể hả, nghe thật sướng tai.

3/ Viên Linh viết trên tuần báo Nghệ Thuật 1966 – năm mươi năm trước
Dương Nghiễm Mậu là nhà văn 20 tuổi của VN năm 1966. Mậu không dùng đến những con tẩy vớ vẩn.
Không có sự thỏa hiệp giữa Dương Nghiễm Mậu và Thẩm Thúy Hằng.
Nghệ thuật trình diễn và văn chương VN không bao giờ đi chung một con đường và có chung một lớp người thưởng ngoạn
Sáu tháng trong năm 1966, Mậu có 6 tác phẩm. Thương mại hóa được Mậu là một cố sức ghê gớm của chúng ta

4/Mấy câu kết của truyện ngắn Tiếng động trên da thú :
-- Hường ơi, người ta đã đếm hết những sợi tóc trên đầu chúng ta chưa? Mắt em còn mở lớn cho anh soi thấy mặt anh và khuôn mặt đó vừa gãy vụn.

5/ Về  truyện Sông mê  của Dương Nghiễm Mậu  in trong tạp chí Văn 3/6/1974
Tác giả kể chuyện đi đường về nhà bị bọn cảnh sát Cộng lực hỏi giấy. Nhân đó nghĩ về cái thật cái giả ở đời. Lại kể một chuyện có liên quan đến Lê Quý Đôn:
-- Làm người là khổ, nhưng làm các giống khác còn khổ hơn. Làm người phải sống như mọi người, phải khờ phải dại, phải bú phải mớm, nếu không làm rắn làm trâu cũng chết.
-- Và nếu là người anh phải cố chịu như mọi người, đừng chơi trội khác đời, sẽ bị cho là kỳ quái, sẽ chết.
Kết luận: Trời đang chạng vạng, nhưng trời sẽ sáng.

6/Trong tập Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta, mỗi nhà văn được trích in truyện, thì có kèm theo mấy lời phát biểu về nghệ thuật viết truyện ngắn. Dương Nghiễm Mậu được chọn truyện Cũng đành, và ông đưa ra  quan niệm của mình:
Truyện ngắn gần với thơ, kề cận thân thiết với đời sống ấu thơ và những kỷ niệm của tác giả, nó như những bước đi đầu vừa ngỡ ngàng vừa hăm hở, ở đó có những xúc động nhẹ nhàng hoặc bất ngờ hung hãn như một nhát chém.

 7/  Khoảng 1973 -1974 các văn nghệ sĩ SG cảm thấy xã hội sắp có thay đổi nên  không ai bỏ ai, nhiều người làm những tổng kết về cuộc sống sáng tác những năm trước đó.
 Có người đã lật ra Bảng phong trần  của 55 nhà văn, mỗi người có một cái nhất
 Tôi ghi lại một số :
Nằm nhiều nhất là Vũ Hoàng Chương,
Gây chấn động nhất là Trùng Dương,
Sống khuất lánh nhất là Nguyễn Thị Hoàng
Hành hạ máy chữ khủng khiếp nhất là Nhã Ca
Độc miệng nhất là Nguyễn Đình Toàn
Nói về mình nhiều nhất trong tác phẩm  là Nguyễn Thị Thụy Vũ
Hippi nhất là Nguyễn Sỹ Tế
Làm dáng nhất là Cung Trầm Tưởng
Làm ăn nhất là Trần Dạ Từ
Lãng mạn nhất là Du Tử Lê
Cô độc nhất là Thanh Tâm Tuyền
Đổ bác nhất là Huỳnh Phan Anh
Don Juan nhất là Nguyễn Xuân Hoàng
Tươi nhất là Võ Phiến
Có chiếc xe hơi chiến nhất là Duyên Anh
Xe đạp cà khổ nhất là Doãn Quốc Sỹ
Đến Dương Nghiễm Mậu thì người lập bảng hạ ba chữ là cần kiệm nhất

 Tôi quên không ghi cái bảng phong trần này được in trên báo nào,  chỉ nhớ không phải bán nguyệt san Văn. Và qua cái giọng thì thấy người lập bảng khá hiểu anh em đồng nghiệp. Cái nhất của Dương Nghiễm Mậu được nêu lên ở đây tôi thấy ông còn giữ đến khi mất.
Mới hơn Cũ hơn