VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Dương Nghiễm Mậu: Lời bạt viết ở cuối tập Nhã Ca Mới 1964


Tôi lưu giữ bài viết sau đây của Dương Nghiễm Mậu và thường đọc lại, vì ở đó tìm thấy nhiều thứ: tuổi trẻ của nhà văn, những ngày mới chuyển từ Hà Nội qua Huế vào Sài Gòn; mối giao tình gắn bó giữa ông và vợ chồng nhà thơ tác giả Nhã Ca Mới, cảnh gieo neo của lớp trí thức trẻ những năm sau 1954. Trong khi viết về một hiện tượng văn chương gần gũi, người viết cũng tìm thấy một cơ hội để nói những quan niệm nhân sinh chi phối ông, mối quan hệ giữa thế hệ ông với thời cuộc.

 Văn Dương Nghiễm Mậu vốn có cái giọng rất lạ, nó phản chiếu hình ảnh một con người luôn đau đớn bất mãn, trong khi bắt buộc phải chấp nhận đầu hàng cuộc sống thì lại giữ nguyên cho mình cái bất khuất chống lại đời sống đến cùng. Và cả cách viết cách đưa tài liệu tiểu sử riêng ẩn hiện giữa những câu ngắn, đứt nối nữa - nó khiến cho thứ văn xuôi này tự nó như có nhiều bình diện còn những chi tiết tưởng như lạc lõng thì lại như mời gọi người đọc hãy tìm hiểu thêm ở ngoài văn bản. Viết bạt cho người mà Dương Nghiễm Mậu cũng viết cho mình.
Qua một bài viết của Nguyễn Vy Khanh , tôi được biết tập thơ Nhã Ca Mới được tái bản ở Mỹ  không rõ năm ( Nguyễn Vy Khanh ghi là  Los Alamitos CA: Xuân Thu tb, 19?) vẫn giữa nguyên lời bạt này.  Bởi không rõ Lời bạt được phổ biến đến đâu, tôi mạn phép đưa lại ở đây, theo bản Nhã Ca Mới năm 1964 mà một người bạn giúp tôi photocopy lại, gọi là để ghi nhớ 49 ngày Dương Nghiễm Mậu qua đời. 


Sau những cơn bão lướt qua, Sài Gòn lạnh. Tôi nhớ Hà Nội vào mùa này, tôi nhớ Huế cũng vào mùa này. Tối nay tôi trở về nhà sớm. Những đêm giới nghiêm vẫn còn kéo dài. Tôi nhận được một tấm thiếp trên bàn làm việc. Tấm thiếp cưới báo tin Kim lập gia đình. Trên đó, ngoài những hàng chữ in, Kim viết cho tôi một mẩu thư nhỏ. Anh Nghiễm ơi… giờ hạ huyệt đã đến, anh hãy vứt xuống đó một viên đất và một bông hồng… Một viên đất và một bông hồng. Tôi cười thầm, tôi chỉ có hai bàn tay không, chẳng có gì để vứt xuống. Những dĩ vãng dù trôi đi, nhưng dấu vết vẫn còn đó. Tôi chẳng biết phải làm gì để xoá đi, chôn đi. Cuộc phiêu lưu đã kéo dài trong nhiều năm… Tôi đã sống thế nào trong suốt thời gian qua. Bây giờ còn một ít kỷ niệm. Kim còn có nhớ. Chắc Kim đã quên.(1) Nào có hề chi. Nói như thơ Nhã: Tôi như loài rong. Chìm dưới vùng ăn năn.
Từ những kỷ niệm của Kim gọi đến, từ những thời gian tôi gặp và thân với Từ. Từ nhắc với tôi về một người con gái Huế, người con gái đó tên Vân. Nói đến Huế, tôi nhớ lại những ngày đầu tiên rời Hà Nội vào sống ở Huế. Những trận mưa kéo dài ầm ĩ làm rêu thối mặt đất, làm váng đen mặt tường vôi vàng cũ, làm hẹp thấp bầu trời. Những bữa cơm khô như đá sỏi bên những người thân yêu. Tôi đã khóc ở Huế. Tôi nhớ Huế. Nhớ mãi Huế, một vẻ buồn bưng bít dồn nén từ những dãy núi lầm lì, từ những cánh đồng cát trắng nhem nhuốc, từ những cơn gió lào khô nóng, từ những mùa đông bất chợt ào xuống với cơn mưa tầm tã. Vẻ buồn bưng bít dồn nén còn đọng lại nơi chính cuộc sống của hơn trăm năm một đế đô với những thành quách, hào lạch và nỗi u uất bao nhiêu người sống trong những lề thói, tập tục, phong cách… Huế buồn chất ngất cô đơn với thế giới bên ngoài. Vân, tên của người làm thơ Nhã Ca, đã sống, lớn lên ở đó. Và Vân bỏ Huế, Vân làm thơ, Vân bắt đầu một cuộc sống khác. Tôi không hiểu những người đã rời Huế nghĩ gì về Huế. Phần tôi, tôi thù oán Huế nỗi thù oán cay đắng, vì Huế vừa bí ẩn vừa đáng yêu vừa đáng ghét. Điều ấy hãy nhìn vào mắt những người con gái Huế. Đôi mắt sâu hút vừa quyến rũ vừa đe doạ, vừa hiền lành vừa hung ác cuồng nhiệt. Khuôn mặt Huế, đời sống Huế. Khuôn mặt Vân, đời sống Vân, đó là một sự thực thơ. Nàng đã đứng dậy nàng đã đi.
Đọc thơ của Nhã, những mòn hết tuổi thơ, niềm hối tiếc, ăn năn, mất thời gian, lỡ nụ cười, buồn như cỏ khô, thở dài, ưu phiền, môi sầu, lãng quên, nghẹn ngào rất thường ở đâu tôi đã gặp, nhưng ở trong thơ của Nhã Ca nó khác hẳn, lạ hẳn. (2)
Sau cơn say váng vất kéo dài, tôi thức dậy. Tôi đã hỏi một người bốn mươi tuổi Khi các anh bằng tuổi các anh có buồn không, bây giờ chúng tôi buồn quá.  Người đó nói với tôi: Khác các cậu bây giờ. Cậu thất tình phải không. Tôi gật đầu: nhiều thứ nữa.
Nhiều thứ nữa. Đọc thơ Nhã, tôi càng thấm thía với những gì tôi nghĩ. Nhã, cũng như tôi, các bạn hữu tôi… chúng tôi đều buồn.
Có người bảo tôi lấy vẻ buồn làm dáng. Tôi không thấy vậy. Suốt quãng đời đã qua tôi chưa có một câu chuyện gì vui để kể lại, một hạnh phúc làm vốn liếng. Những ngày nào vừa đặt chân xuống Sài Gòn, sống khốn khổ giữa những bạn hữu nghèo đói, những ngày Từ năm phơi mình ở Ngã tư Bảy Hiền, Bình Thới… bên những chồng giấy báo cũ. Những ngày chui lủi nơi căn phòng một bin-đinh. Những ngày Từ vào tù và Nhã bế cháu Sớm Mai hốc hác đi tìm chồng... Cuộc sống riêng tư mỗi người và đời sống xã hội, tất cả đó là những chua xót, dầy vò.. sự thật đó hiện diện trong thơ Nhã. Thơ Nhã là đời sống Nhã, là hình bóng chúng tôi.
Một buổi chiều, khi ở phố, tôi gặp nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Sau đó, chúng tôi cùng về một đường. Trên xe, anh Nguyễn Mạnh Côn hỏi tôi: Anh có mơ ước viết một tác phẩm thơ mộng hay không. Tôi nói có. Tôi vẫn mơ ước viết một tác phẩm thơ mộng, về một mối tình chẳng hạn. Nhưng tôi vẫn chưa viết được, chừng như chúng tôi mất đi sự say mê hào hùng…
Thơ Nhã là cơn váng vất đau buồn âm ỉ, như giọt cường toan trên vách đá xanh đen. Tôi đã mất say mê hào hứng, đó là sự thật. Tôi nghĩ điều mơ ước của tôi về một tác phẩm thơ mộng sẽ mãi mãi là ước vọng. Thơ Nhã, khuôn mặt mới của thơ mộng, hạnh phúc… khuôn mặt thiểu não, tiều tuỵ đó là khuôn mặt thật của thơ mộng, hạnh phúc trong đời sống chúng tôi.

Bây giờ Kim đã lập gia đình, người ta bảo như vậy là phản bội. Làm rất nhiều thơ, văn, trong nhiều năm, bây giờ Nhã mới in được tập thơ đầu cho mình. Sau những năm trôi nổi hằn học, chúng tôi mỗi lúc một buồn bã hơn, một độc ác tàn nhẫn hơn: những độc ác, tàn nhẫn từ trong tâm hồn mình, với chính mình. Chúng tôi đã chẳng dấu giếm gì điều đó. Bao nhiêu thần thoại đã bị huỷ thiêu. Trước thực tế, chúng tôi kiêu hãnh làm loài sâu bọ, một kiêu hãnh rất Người. Đọc thơ Nhã trước đó, phải chấp nhận thái độ này, thái độ mà, với chúng tôi thật đau khổ, nhưng chúng tôi không thể làm gì khác. Nhã nói với tôi: Anh có thể viết gì cho tập thơ của Nhã. Tôi đã viết một cách vụn vặt, một vài mẩu ngắn rời rã. Tôi vốn chủ quan. Nghĩ cho cùng chẳng nên viết gì. Nghĩ cho cùng Nhã cũng chẳng nên in thơ. Hoàn cảnh nầy còn viết văn, làm thơ gì nữa… Chẳng qua mình làm cho khuây vậy thôi. Như thế, chắc Nhã không buồn lòng vì những gì tôi viết. Và Kim, chắc em đã hài lòng.

Ghi chú
(1) Nhân vật Kim ở đây từng được DNM nhắc tới trong đoạn văn sau

Kim đã lấy chồng, đã sung sướng ra sao. Tôi lặng lẽ nhớ về những gì đã có. Trong những người đến với em, anh là người yêu em hơn hết. Em ngoại tình trong tư tưởng phải không anh. Tôi mỉm cười. Có điều anh ngu phải không. Kim lặng im. Có lẽ anh không yêu em như em tưởng. Tôi nói tuỳ em nghĩ. Thời gian đã trôi, đã trôi, mới đầu tôi tưởng tôi không yêu nhưng cho đến nay tôi rõ tôi yêu Kim.

Tôi quên không ghi đoạn văn xuất xứ ở đâu, nhưng thấy nó tiêu biểu cho cách hành văn của tác giả nên cũng đã đưa vào trong bài Một ít tài liệu về Dương Nghiễm Mậu ghi từ báo chí Sài Gòn trước 1975 ở blog này ngày 28-11-2012, đường link

http://vuongtrinhan.blogspot.com/2012/11/mot-it-tu-lieu-ve-duong-nghiem-mau-ghi.html

(2) Sau đây là bài thơ của Nhã Ca mà một số mô-típ  vừa được DNM nhắc tới 

THANH XUÂN

Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây
Người đi chưa dạt dấu chân giày
Bàn tay nằm đó không ngày tháng
Tình ái xin về với cỏ may

Và lá mùa xanh cũng đỏ dần
Còn đây niềm hối tiếc thanh xuân
Giấc mơ choàng dậy tan hình bóng
Và nỗi tàn phai gõ một lần…

Kỉ niệm sầu như tiếng thở dài
Đêm chìm trong tiếng khóc tương lai
Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối
Tôi mất thời gian, lỡ nụ cười…

Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh, em cũng tợ sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ…

 Theo Thi ca.Net



Mới hơn Cũ hơn